Việt Nam đã có tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, song số lượng vẫn còn rất khiêm tốn. Ảnh: Phú An |
Thiếu vắng doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa
Theo Dự thảo Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, số lượng DN đăng ký thành lập mới gia tăng mạnh mẽ. Trung bình trong giai đoạn 2016 - 2019, hàng năm cả nước có 126.593 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký là 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số DN và tăng 24,8% về số vốn đăng ký so với giai đoạn liền trước.
Thực tế cho thấy, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn có gần 135.000 DN thành lập mới. Trong 4 tháng đầu năm 2021, dù dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nhưng số DN mới, cũng như DN quay trở lại hoạt động luôn có chuyển biến tích cực.
Cùng với DN thì các hộ kinh doanh cũng có sự phát triển tích cực. Nếu bao gồm cả các hộ kinh doanh không đăng ký chính thức, thì trên cả nước ước tính hiện có 5,4 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp đang hoạt động và sử dụng 9 triệu lao động.
DNTN đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế… Đến nay, Việt Nam đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, song số lượng vẫn còn rất khiêm tốn.
Dự thảo Đề án chỉ ra, các DN siêu nhỏ và nhỏ chiếm số lượng áp đảo. Theo Sách trắng DN Việt Nam 2020, DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm tương ứng 62,6% và 31,1%, trong khi, DN quy mô vừa và lớn chỉ chiếm tương ứng 3,5% và 2,8% tổng số DN năm 2018, tạo ra hiện tượng “thiếu DN cỡ vừa” trong khu vực này.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy mô nhỏ đang làm hạn chế khả năng của các DN trong nước trong việc tận dụng các lợi thế có được để nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh. Thông thường, các công ty lớn có thể dễ dàng tận dụng lợi thế để hoạt động hiệu quả hơn và mang lại năng suất cao hơn cho nền kinh tế.
Tạo cơ hội để doanh nghiệp lớn lên
Theo TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một trong những yếu tố đang làm hạn chế sự phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có việc tạo cơ hội cho DNTN lớn lên, có tính dẫn dắt, kết nối chính là phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực này. Vì thế, ông Bá cho rằng, để đạt mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra thì bên cạnh phát triển DN nhỏ và vừa, trong lộ trình cải cách thể chế kinh tế tới đây, phải hết sức lưu ý đến phát triển những “đại bàng” của người Việt.
Ông Bá cho rằng, chỉ khi có “đại bàng” của Việt Nam thì chúng ta mới có thể nắm bắt tốt các cơ hội đang mở ra cho đất nước. Bởi chính các “đầu tàu” này sẽ đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa, kết nối các DN khác phát triển. Từ góc nhìn này, TS. Lê Xuân Bá nhấn mạnh: “Nếu không có cơ chế hợp lý thì chỉ có “đại bàng” nước ngoài, còn khu vực trong nước mãi chỉ là DN nhỏ và vừa, khó mà nắm bắt được “cơ hội vàng””.
Tại Dự thảo Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Bộ KH&ĐT đề xuất một số giải pháp thúc đẩy khu vực DNTN phát triển.
Dự thảo Đề án nêu rõ: “Việt Nam cần đặt trọng tâm chính sách vào việc ngày càng có nhiều công ty lớn và được quản trị tốt hơn là chỉ hướng vào mục tiêu hình thành quá nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ. Các DN lớn không chỉ có cơ hội tốt để đạt năng suất cao hơn, đồng thời cũng có thể trở thành DN dẫn đầu, đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng của toàn bộ một ngành, một chuỗi giá trị hoặc một cụm DN”.
Theo đó, quan điểm chủ đạo được đề cập trong Dự thảo Đề án là đổi mới tư duy quản lý nhà nước để thúc đẩy khu vực DNTN Việt Nam phát triển với việc Nhà nước coi DN vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý. Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện… Cùng với đó là các nhóm giải pháp đổi mới quản lý nhà nước để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.