Khơi thông điểm nghẽn cho kinh tế tư nhân lớn lên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng được khẳng định, tuy vậy, chất lượng phát triển của khu vực này vẫn còn hạn chế, chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đâu là điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của khu vực này và hướng tháo gỡ ra sao là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước phát triển KTTN ở Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức.
Lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Lê Tiên
Lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Lê Tiên

Kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định

Theo Bộ KH&ĐT, qua gần 35 năm đổi mới, đến nay, khu vực KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kinh tế tư nhân nước ta có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển nên cần sự hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, cần đặt ra câu hỏi là doanh nghiệp tư nhân, thường có quy mô nhỏ và vừa, vẫn gặp những rào cản, vướng mắc gì để nhận diện, tháo gỡ...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết và đáp ứng càng kịp thời càng tốt; đặc biệt là xét trong bối cảnh đang có một số cơ hội tốt để doanh nghiệp tận dụng như các hiệp định thương mại tự do (FTA), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự dịch chuyển chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu.

Theo Bộ KH&ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được, có thể dễ dàng nhận thấy, chất lượng phát triển của khu vực KTTN vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực KTTN còn thấp và có nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những hạn chế của khu vực KTTN có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt là trong phát triển KTTN.

Cụ thể hơn, đó là hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển KTTN còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế. Môi trưởng kinh doanh được cải thiện chủ yếu ở lĩnh vực điều kiện gia nhập thị trưởng. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân chưa có nhiều tiến bộ…

Cải cách toàn diện trong quản lý

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ trăn trở, làm sao để người dân và các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư bởi vẫn còn nhiều rào cản. Các doanh nghiệp quy mô còn rất nhỏ, khả năng tiếp cận vốn và đất đai rất hạn chế và quan trọng là khu vực KTTN vẫn chưa sẵn sàng. Vì vậy, cần làm thế nào để môi trường và thể chế ngày càng thân thiện và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới toàn diện trong quản lý nhà nước để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Phải phát triển KTTN mạnh mới xây dựng được nền kinh tế vững mạnh, tự chủ cao.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một loạt giải pháp tháo gỡ bỏ rào cản. Cụ thể, thể chế phải an toàn, thân thiện hỗ trợ phát triển mạnh doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, từ đó nâng cao sức cạnh tranh. Đổi mới thể chế quản lý phải tập trung vào nâng cao chất lượng, xóa bỏ những quy định không hợp lý, trái quy luật thị trường, cản trở khu vực tư nhân phát triển. Cùng với đó, tạo lập môi trường kinh doanh bình đằng, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế; nâng cao đảm bảo quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ cần thay đổi tư duy mà còn cần cách thức để nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là tập trung hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, thực thi là vấn đề rất quan trọng; trong đó, đề cao yếu tố công bằng, minh bạch, thực hiện đúng tinh thần và quy định pháp luật.

Đơn cử, mục tiêu của thanh, kiểm tra là để giúp đỡ doanh nghiệp hoạt động đúng quy định, chứ không phải để trừng phạt, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp luôn mong muốn hoạt động trong môi trường an toàn, với những quy định rõ ràng, sự bảo đảm an toàn với tâm lý tin tưởng trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh.