Gỡ bỏ rào cản đang kìm chân kinh tế tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khu vực tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, cần tạo lập một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, lành mạnh, tháo bỏ các rào cản về thể chế, về tiếp cận nguồn lực… để phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60 - 65%.
Tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Động lực quan trọng của nền kinh tế

Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội thảo tham vấn về Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (PTKTXH) giai đoạn 2021 - 2030 với chủ đề “Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước đến năm 2030”.

Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Chiến lược PTKTXH 2021 - 2030 đưa ra 5 quan điểm xuyên suốt, có tính nguyên tắc cho 10 năm tới; mục tiêu chiến lược (bao gồm mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể); 3 đột phá chiến lược với nội hàm cụ thể làm cơ sở để có thể dễ chuyển hóa thành các hành động cụ thể; 10 phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp.

Chiến lược PTKTXH 2021 - 2030 đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Quan điểm này được cụ thể hóa trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thứ 4 của Chiến lược, đó là phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, định hướng về phát triển kinh tế tư nhân đã được nêu chi tiết hơn, với mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể hơn. Trong đó, điểm nhấn là yêu cầu cải cách, đổi mới thể chế về huy động phân bổ nguồn lực, từ đó tạo ra sự cân bằng trong tiếp cận nguồn lực. “Khó tiếp cận được nguồn lực là rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân không lớn được”, ông Cung nói.

Đồng thời, giải pháp quan trọng nữa là mở rộng, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ các rào cản với đầu tư, kinh doanh. Tự do ở đây không chỉ là “tự do làm gì”, mà còn là “tự do làm thế nào”. Bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, trong đó có việc cải cách tư pháp và tòa án; xây dựng thể chế thực thi; khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo… cũng là những yếu tố rất quan trọng để khu vực tư nhân phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, có rất nhiều việc phải làm từ cả phía Nhà nước và phía doanh nghiệp. Việc quan trọng nhất từ phía Nhà nước là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đây là tiền đề số 1 và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới. Theo bà Lan, việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường các thể chế thị trường và tự do hóa các thị trường.

Còn với khu vực kinh tế tư nhân, bà Lan nhấn mạnh, việc quan trọng là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.

Bình luận về mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, cần phải nhìn toàn cục cấu trúc nền kinh tế Việt Nam để đặt ra các giải pháp khả thi. Ông Lực cho rằng, bên cạnh việc phát triển khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thì câu chuyện tái cơ cấu, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cũng phải có những giải pháp căn cơ.

TS. Cấn Văn Lực lưu ý thêm rằng, điểm yếu lớn là thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp còn thiếu và yếu. Bởi những thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh là vô cùng quan trọng và then chốt khi chúng ta muốn thực hiện được đột phá trong chuyển đổi số, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch.

Tin cùng chuyên mục