Gỡ “nút thắt” phát triển kinh tế tư nhân

(BĐT) - Năm 2019 đang dần khép lại với kết quả ấn tượng của 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, một số chỉ báo kinh tế cho thấy, còn nhiều gian nan trong việc duy trì nhịp độ tăng trưởng cao song hành với việc cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Đại biểu Quốc hội đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, mời gọi tư nhân tham gia thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc. Ảnh: Lê Tiên
Đại biểu Quốc hội đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, mời gọi tư nhân tham gia thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc. Ảnh: Lê Tiên

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong các giải pháp tăng trưởng kinh tế thời gian tới, cần coi doanh nghiệp (DN) tư nhân là động lực tăng trưởng lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, xóa bỏ rào cản phát triển khu vực DN này.

Nhiều chỉ báo đáng suy ngẫm

Thảo luận toàn thể tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá, mặc dù đối diện với những diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm, năm 2019 tiếp tục là năm Việt Nam đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đây là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp củng cố niềm tin trong nhân dân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng. Nhưng về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, đại biểu này nhấn mạnh, chưa thể yên tâm. Bởi vì công nghiệp chế biến, chế tạo - khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng năm 2019 - mặc dù có mức tăng ấn tượng 11,37%, nhưng chỉ số tồn kho tại thời điểm 30/9 ở mức kỷ lục 17,2%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 và 2017.

Xuất khẩu mặc dù vẫn là điểm sáng, nhưng cơ cấu xuất khẩu theo thị trường có những chuyển dịch bất lợi. Cụ thể, xuất khẩu sang nhóm thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Duy nhất xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận thương mại.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển theo hướng giảm tốc ở các nguồn đầu tư FDI có vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến các nguồn từ Trung Quốc. Sự chuyển dịch này có dấu hiệu thiếu bền vững, có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn…

Trong khi đó, kinh tế tư nhân dù luôn được nhấn mạnh với vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế lại đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong 3 năm liên tiếp, nguồn thu ngân sách nhà nước từ khu vực DN không đạt kế hoạch. Chỉ báo này cho thấy tính bền vững của ngân sách quốc gia chưa được đảm bảo.

Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, kinh tế tư nhân phát triển dưới mức tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế. “Thời gian qua, có một số văn bản, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhưng phần lớn DN không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định”, ông So nhận xét.

Hỗ trợ kinh tế tư nhân

Để giải quyết nút thắt cho phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, cần phải đặt DN tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác. Từ đó, phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển DN tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.

Ngoài ra, ông So đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, mời gọi tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước như thiết kế, xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc, bởi đầu tư từ nguồn vốn tư nhân hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được tiêu cực. Với cơ chế chính sách thân thiện, rõ ràng, cần sớm cho ý kiến thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư nhằm tháo gỡ rào cản cho đầu tư lĩnh vực đặc thù của DN tư nhân.

Cho rằng khu vực DN tư nhân chưa được hỗ trợ xứng đáng với những tiềm năng và đóng góp của khu vực này cho GDP, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đề nghị, Chính phủ cần có biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế để hỗ trợ khu vực tư nhân có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, tài nguyên và các điều kiện khác để phát triển. Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hoàn thiện các quy định của pháp luật để chống gian lận thương mại, chống việc hàng hóa của DN nước ngoài đột lốt hàng Việt Nam xuất khẩu, bảo đảm uy tín hàng hóa, thương mại của DN Việt Nam và an ninh kinh tế, chính trị.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) và đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) đề nghị Chính phủ lưu tâm tới con số DN chờ giải thể và số DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký sau 9 tháng năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước. Các đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá sâu nguyên nhân của hiện tượng này, là do công tác chỉ đạo điều hành, do cơ chế chính sách hay hồ sơ thủ tục… để từ đó có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN hoạt động thực chất hơn.