Để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các doanh nghiệp tư nhân đã và đang phát triển rất năng động, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, để khu vực doanh nghiệp này phát triển nhanh, bền vững và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi thực chất hơn nữa về môi trường kinh doanh, đồng thời, quyết liệt cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Khu vực tư nhân đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng còn khá khiêm tốn so với tiềm lực, chưa thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực tư nhân đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng còn khá khiêm tốn so với tiềm lực, chưa thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Tại Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trình Đại hội XIII của Đảng (Dự thảo), Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng và liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu.

Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, một trong những giải pháp được nêu tại Dự thảo là tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế.

Trong đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng. Hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp.

Theo Dự thảo, cần điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tỷ lệ nội địa hoá đạt mức 30%.

Bình luận về nội dung này, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, trong những năm vừa qua, khu vực tư nhân đã có những bước phát triển đáng kể, đã có những doanh nghiệp lớn hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, năng động và tích cực trong các phương hướng kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì tốc độ trưởng thành của khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm lực thực tế và rõ ràng là chưa trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo ông Minh, để doanh nghiệp tư nhân có thể trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, cần chú trọng những thay đổi về chất. Trong đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được thực hiện một cách tích cực và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần có quyết sách và thực thi hiệu quả quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bởi quá trình này đang bị chậm lại trong những năm gần đây.

“Doanh nghiệp tư nhân cần được tham gia nhiều hơn ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động bán lẻ, ngân hàng trong thời gian qua góp phần thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ và có lợi cho cả nền kinh tế lẫn người tiêu dùng. Điều này cho thấy, cần đẩy mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đối với khu vực kinh tế tư nhân, không có sự hỗ trợ, khuyến khích nào bằng cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; tháo bỏ mọi rào cản đối với quyền tự do kinh doanh, bảo vệ tốt quyền tự do kinh doanh và tài sản đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Khi cải cách thể chế, rà soát văn bản chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh thì quyền tự do kinh doanh phải là tiêu chí hàng đầu. Việc cải cách, rà soát thủ tục hành chính phải có chủ đích cụ thể, nghĩa là phải loại bỏ được những rào cản, quy định cụ thể thay vì đưa ra một mục đích chung chung”, ông Cung nói.

Tin cùng chuyên mục