DN đang chờ đón những hỗ trợ mới cho hoạt động khởi nghiệp khi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Ảnh: Hoài Tâm |
Cắt giảm điều kiện kinh doanh
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong năm 2017, đối với hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản như: Nghị định thay thế Nghị định 19 về kinh doanh khí, Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô…
Quan trọng hơn, Bộ đã xác định, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017. Năm qua, Bộ Công Thương quản lý 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh trên 27 ngành nghề (chưa tính ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô). Bộ đã đặt ra mục tiêu giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh (tương đương 55,5% tổng số điều kiện do Bộ đang quản lý).
Phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đã được Bộ Công Thương thể hiện trong Dự thảo Nghị định sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Văn bản này hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Bộ đã thực hiện rà soát và cắt giảm 229/452 thủ tục hành chính của ngành.
Tại TP.HCM, Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh cho biết, Thành phố triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay cho các DN ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; phê duyệt 445 quyết định với tổng số 1.204 lượt vay, tổng vốn đầu tư là 988,127 tỷ đồng...
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp, khái niệm DN khởi nghiệp chưa được giải thích, hướng dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành dẫn đến nhận thức của các cơ quan, tổ chức xã hội về DN khởi nghiệp là khác nhau. Do đó việc triển khai hỗ trợ DN khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nội hàm, phạm vi theo dõi các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể cần tháo gỡ.
Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, lao động, vốn, khoa học công nghệ… mặc dù đã hoàn chỉnh nhưng vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp thực tiễn, chưa có các quy định riêng đối với hoạt động khởi nghiệp. Do đó chưa thực sự tạo điều kiện đối với các DN khởi nghiệp.
Ngoài ra, mỗi địa phương có những đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khác nhau nên yêu cầu hỗ trợ DN khởi nghiệp sẽ khác nhau. Ví dụ với điều kiện đất chật, người đông như TP.HCM mà đặt yêu cầu hỗ trợ DN khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai giống các tỉnh, thành phố khác sẽ khó khả thi.
Hoàn thiện pháp luật về thanh, kiểm tra DN
Kiến nghị những giải pháp hỗ trợ DN, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định hoạt động kiểm tra đối với DN. Do vậy, để giúp DN không bị kiểm tra chồng chéo, mặt khác cũng là có biện pháp xử lý đối với các DN vi phạm, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về công tác thanh, kiểm tra đối với DN.
Dưới góc độ của địa phương, ông Huỳnh Văn Hạnh kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và hướng dẫn các điều kiện đảm bảo việc triển khai, trong đó có nội dung hướng dẫn về định mức chi tiết hỗ trợ và cách thức chi cho các tổ chức hỗ trợ DN khởi nghiệp.
Để hỗ trợ DN khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai, lao động, vốn, khoa học kỹ thuật, TP.HCM sẽ vận dụng những nội dung Quốc hội cho phép trong Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Thành phố cũng kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành trung ương chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc tổ chức, thi hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.