Để doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 là một trong những phép thử đối với sức khỏe của các doanh nghiệp (DN)...
Yêu cầu của các nhà nhập khẩu ngày càng cao hơn, hướng đến
kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Ảnh: Lê Tiên
Yêu cầu của các nhà nhập khẩu ngày càng cao hơn, hướng đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Ảnh: Lê Tiên

Trong biến cố trên phạm vi toàn cầu này, một số DN vẫn có thể trụ vững, nhanh chóng phục hồi được sản xuất kinh doanh sau dịch là nhờ xây dựng chiến lược phát triển bền vững (PTBV) ngay từ đầu và từng bước thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra.

Không bị động trước rủi ro

Tác động của dịch Covid-19 thể hiện rõ nhất là ở những ngành hàng xuất khẩu. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy - túi xách Việt Nam (LEFASO), do những khó khăn trong đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và nguồn cầu từ các thị trường EU, Mỹ..., xuất khẩu của ngành trong 5 tháng đầu năm đã giảm 36%. Nhiều DN phải cắt giảm lao động...

Thực tế thời gian qua chứng minh rằng những DN phát triển theo hướng bền vững ngay từ đầu có khả năng chống chịu rủi ro tốt hơn, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, so với những DN còn lại, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Chia sẻ tại chuyến khảo sát thực địa hoạt động của DN tại Hà Nam mới đây, ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty CP Tập đoàn Pan cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới các công ty thành viên là điều không thể tránh khỏi, nhất là các công ty chuyên xuất khẩu nông thủy sản của Pan. Tuy nhiên, so với các DN kinh doanh cùng ngành, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Tập đoàn hạn chế hơn nhờ chiến lược PTBV. Trong điều kiện hạn chế mua hàng, các nhà cung cấp thường chọn nhà sản xuất tốt nhất. Đến nay, công ty thành viên của Tập đoàn chuyên xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được doanh thu và đơn hàng từ các đối tác EU, Nhật Bản... Một số DN thành viên khác đã trở lại hoạt động bình thường sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh.

“Dịch bệnh chỉ là một khủng hoảng, DN nào ứng phó tốt thì sẽ vượt qua được. Ngay khi xảy ra dịch bệnh, Tập đoàn đã thành lập ban chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, không mở rộng mới. Tuy nhiên, nói đến chiến lược PTBV thì không nên bắt đầu từ một sự kiện, một khủng hoảng, mà cần có sự chuẩn bị lâu dài, cả quá trình phát triển của DN”, ông Trung Anh nhận định.

Bắt tay thúc đẩy phát triển bền vững

Ông Phạm Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng DN vì sự PTBV (VBCSD) khẳng định, sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu như thiếu đi một cộng đồng DN bền vững. Bộ chỉ số DN PTBV (CSI) là công cụ quản trị DN hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho DN khi lập chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng PTBV. DN cũng dùng bộ chỉ số này để xây dựng báo cáo bền vững. Báo cáo bền vững đang dần trở thành thông lệ quốc tế. Trên thế giới đã có 30 quốc gia đưa quy định thực hiện báo cáo bền vững vào khung pháp lý, là một yêu cầu bắt buộc với DN, cũng như giúp DN thu hút đầu tư.

Dẫn kết quả khảo sát của VBCSD, ông Vinh cho biết, 70 - 90% các DN tham gia Chương trình đánh giá DN bền vững đều đang thực hiện các hoạt động liên quan đến quản trị bền vững như có hệ thống giám sát sự hài lòng của khách hàng, có chính sách phòng chống tham nhũng và hối lộ, có hoạt động với cộng đồng và bảo vệ môi trường. Nhóm DN tham gia Chương trình có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động và hiệu suất sử dụng lao động, năng lực cạnh tranh và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh… có sự cải thiện rõ rệt, cao hơn đáng kể so với trước và so với nhóm DN chưa tham gia.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao hơn, hướng đến kinh tế tuần hoàn và PTBV. “PTBV và kinh tế tuần hoàn đang là xu thế. Theo dự báo, mỗi năm thế giới sẽ sản xuất khoảng 23 tỷ đôi giày dép. Do đó, nhiều nhà nhập khẩu bắt đầu yêu cầu mỗi đôi giày xuất đi phải kèm theo CV, trong đó nêu rõ cách tái chế như thế nào bên cạnh việc tạo ra xu hướng thời trang mới. Thế giới phẳng, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì yếu tố cạnh tranh là sự an toàn, hệ thống lao động được nâng cấp, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động... Nếu DN không đáp ứng được những yêu cầu này thì sẽ không được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ có PTBV là cách giúp tạo lập và củng cố lợi thế cạnh tranh cho DN”, bà Xuân cho biết.

Là một nền sản xuất có vị thế trên thế giới, bà Xuân cho rằng, Việt Nam cần phải hoạch định rõ ràng về chiến lược PTBV, nâng cao nhận thức từ Trung ương đến địa phương cho đến các DN thì mới có thể tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Để bộ chỉ số CSI nói chung và bộ chỉ số của ngành hàng da giầy - túi xách Việt Nam nói riêng được áp dụng rộng rãi hơn, bà Xuân khuyến nghị, không chỉ kêu gọi một chiều từ phía DN, mà phía cơ quan nhà nước cũng nên sử dụng bộ công cụ này và báo cáo bền vững của DN để đánh giá và xếp hạng DN, từ đó giảm bớt thời gian, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, văn bản báo cáo, giảm thiểu các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Cơ quan nhà nước cũng sẽ có bức tranh tổng thể hơn về DN.

“Nên chăng, cần thể chế hóa hoạt động lập báo cáo bền vững như một yêu cầu bắt buộc để minh bạch thông tin và quản lý thông tin DN tốt hơn”, bà Xuân đặt vấn đề.

Tin cùng chuyên mục