Để doanh nghiệp nhà nước trở thành “chim đầu đàn”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện chiếm số lượng nhỏ trong tổng số DN cả nước nhưng quy mô và đóng góp lớn đối với nền kinh tế, chưa kể những đóng góp trong các vấn đề xã hội. Trong bối cảnh mới, cần làm gì để DNNN trở thành “chim đầu đàn”, dẫn dắt các khu vực DN khác phát triển, từ đó đưa kinh tế đất nước bứt phá là vấn đề được đặt ra tại hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Doanh nghiệp nhà nước thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; cảng biển và logistics; tài chính - ngân hàng được đề xuất lựa chọn trở thành doanh nghiệp “chim đầu đàn”. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp nhà nước thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; cảng biển và logistics; tài chính - ngân hàng được đề xuất lựa chọn trở thành doanh nghiệp “chim đầu đàn”. Ảnh: Lê Tiên

Vai trò dẫn dắt

Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt DN thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trường, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thoái vốn, cổ phần hóa DNNN là chủ trương đúng để DNNN tập trung đầu tư vào vấn đề khó, lớn và mới để dẫn dắt, mở đường cho các DN thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển. Đại hội XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu rất rõ tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. Muốn vậy, phải phát triển, làm chủ được công nghệ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để DNNN dẫn dắt, mở đường trong bối cảnh mới thì mỗi tập đoàn, tổng công ty phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo và phải xây dựng được chuỗi giá trị để liên kết các DN, mở đường cho các thành phần kinh tế phát triển.

Theo đó, Dự thảo Đề án đề xuất lựa chọn DNNN thuộc 4 nhóm ngành dẫn dắt, mở đường là: công nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; cảng biển và logistics; tài chính - ngân hàng.

Về tiêu chí lựa chọn, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Dự thảo Đề án nhấn mạnh một số tiêu chí chính. Cụ thể là ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường (theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước), dẫn dắt (theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của DN thuộc thành phần kinh tế khác) hướng tới xây dựng một nền kinh tế tự chủ, bền vững; hướng tới làm chủ công nghệ và có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số DNNN được Dự thảo Đề xuất lựa chọn là: Viettel, VNPT, Mobifone, EVN, PVN Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Vietcombank.

Cần có cơ chế, chính sách rõ ràng

Bày tỏ sự cần thiết phải có DNNN trở thành “chim đầu đàn”, “đầu tàu” lôi kéo các thành phần kinh tế khác phát triển, từ đó lan tỏa ra các khu vực DN khác đưa đất nước bứt phá trong bối cảnh mới, đại diện Tập đoàn Viettel cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách để hiện thực hóa mục tiêu này.

“Khi quy hoạch được các DNNN “đầu đàn” thì cần có cơ chế, chính sách rõ ràng. Chẳng hạn như khi đấu thầu, có chính sách gì để họ được công nhận là DN “đầu đàn”, đại diện Viettel đề xuất. Bên cạnh đó, Viettel cũng khuyến nghị, khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách quản lý DNNN thì cần coi DNNN như DN tư nhân. Cơ chế, chính sách về vay vốn, đầu tư… cho DNNN “đầu đàn” phải thuận lợi.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đề xuất, để dẫn dắt, lan tỏa được thì cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc nội tại trong cơ chế chính sách hiện nay đối với DNNN. “Trong vấn đề tiền lương, nếu không có cơ chế phù hợp thì không thể có người giỏi, người tài ở DNNN”, đại diện SCIC nêu ví dụ.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, để phát triển DNNN quy mô lớn, Dự thảo Đề án đề xuất nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với DN thuộc các khu vực khác. Trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box)…

Về cơ chế riêng với các lĩnh vực, Dự thảo Đề án đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển dịch vụ số, nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển công nghệ cho Viettel; ban hành cơ chế hỗ trợ việc kết nối các cụm cảng; với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư (investment banking), hình thành quỹ đầu tư trong đó có đầu tư mạo hiểm…

Tin cùng chuyên mục