Để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, phải sớm biến Việt Nam thành một điểm đến an toàn, tốt nhất cho các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Ảnh: Lê Tiên |
Điều đó cho thấy thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh. Giờ là lúc phải tính toán để trở thành quốc gia vượt qua đại dịch trước nhất và chịu tổn hại ít nhất. Đó không phải là câu chuyện riêng của cộng đồng doanh nghiệp mà còn là của Chính phủ và toàn dân.
Nền kinh tế trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp đang phải ra sức vượt qua tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ông nhận xét gì về nỗ lực của doanh nghiệp Việt và sự hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn hiện nay?
Trước khi xảy ra dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động khá tốt, góp phần vào mức tăng trưởng GDP khá cao trong những năm qua. Tuy nhiên, chịu tác động từ đại dịch, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, vận tải đang hoạt động rất khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn |
Điểm tích cực là nhờ nỗ lực khống chế dịch tốt, các tổn thất của Việt Nam thấp hơn hẳn so với các nước trong khu vực và thế giới. Về kinh tế, tăng trưởng GDP thấp hơn mức tăng cùng kỳ song vẫn cao trong so sánh với các nước khác, xuất siêu vẫn giữ trạng thái tích cực.
Tuy nhiên, đại dịch cũng cho thấy nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục và các chính sách hỗ trợ vượt Covid-19 cũng cần được nâng cao hiệu quả thực thi. Chẳng hạn, gói hỗ trợ doanh nghiệp chi trả lương cho người lao động trị giá 16 nghìn tỷ đồng đến nay chưa giải ngân được là điều cần xem lại, bởi gói hỗ trợ này không chỉ mang ý nghĩa về mặt tài chính mà còn là động lực cho doanh nghiệp nỗ lực vượt khó và hồi phục sau dịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình và đang được cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực thực hiện những chính sách hiệu quả trong việc cải thiện năng suất lao động, hiện đại hóa sản xuất để thoát bẫy sau đại dịch.
Đặc biệt, những năm gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Nhiều doanh nghiệp lớn ngày càng quan tâm hơn đến môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là từ khi chúng ta nổi lên là nước khống chế tốt dịch Covid-19. Đây là động lực cần tận dụng để đẩy nhanh việc thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp trong nước hợp tác, tiếp thu công nghệ mới để tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo ông, Việt Nam đã có những doanh nghiệp và doanh nhân tầm cỡ quốc tế chưa?
Nếu đánh giá dựa trên tổng tài sản có, quy mô nguồn vốn và số lượng lao động, chúng ta đã có một số doanh nghiệp ngang tầm khu vực nhưng so với thế giới thì vẫn còn khoảng cách khá xa.
Khối doanh nghiệp nhà nước tuy được hỗ trợ nhiều về mọi mặt, vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong vai trò đầu tàu cho nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân trong thời gian gần đây đã có những bước đột phá mạnh mẽ nhưng vẫn chưa được hỗ trợ đúng mức để có thể vươn lên giữ vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, khi phải hoạt động trong một môi trường kinh doanh chi phí cao. Trong đó thuế suất, lãi suất, chi phí nguyên vật liệu, năng lượng, chi phí cho bộ máy hành chính… đều tương đối cao so với khu vực và trên thế giới. Chi phí lao động tuy thấp về con số tuyệt đối nhưng hiện nay chi phí này cũng đang tăng dần. Điểm khó nhất vẫn là vốn.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong điều kiện khó khăn như thế, chúng ta vẫn thấy có những doanh nghiệp hoạt động tốt, hiệu quả, cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh, sáng tạo, thông minh, nhạy bén. Chính phủ cần mạnh dạn hỗ trợ họ bằng cách có nhiều chính sách khuyến khích, giúp đỡ. Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng một nền kinh tế chi phí thấp, một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, lành mạnh, một nền tảng pháp lý công minh, công bằng để phát triển lực lượng doanh nhân, giúp họ giành thắng lợi trong một thị trường thế giới ngày càng cạnh tranh quyết liệt hơn.
Trong giai đoạn hậu đại dịch, theo ông, doanh nghiệp cần được hỗ trợ thêm về điều gì?
Nhiều doanh nghiệp thời gian qua không vay được vốn từ các gói hỗ trợ dù họ thuộc diện khó khăn. Điều đó cho thấy một số chính sách hỗ trợ còn xa rời thực tế. Điều này cần sớm được chấn chỉnh để những chính sách thật sự có hiệu quả.
Đổi mới công nghệ, nỗ lực chuyển đổi số được coi là một trong những bước đi cần thiết để doanh nghiệp đạt thành công trong giai đoạn tới. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam đã làm được gì về việc này?
Về lý thuyết, những “người đi sau” trong việc ứng dụng các thành tựu công nghệ sẽ thuận lợi hơn nhờ tiết kiệm chi phí và có thể nhanh chóng bắt kịp những nước công nghiệp hóa trước. Tuy nhiên, để tận dụng được điểm thuận lợi này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn vốn đầu tư, năng lực quản lý, quản trị, lao động chuyên môn cao… Để cải thiện được các yếu tố này, vai trò hỗ trợ của Nhà nước là hết sức quan trọng. Nếu không làm tốt vai trò này chúng ta sẽ mãi mãi chậm chân.
Ông dự báo gì về triển vọng của doanh nghiệp Việt Nam sau đại dịch Covid-19?
Covid-19 là một tai họa lớn cho cả thế giới, gây những tác động nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc. Nhưng dù sớm hay muộn, đại dịch rồi sẽ qua đi. Điều quan trọng phải tính toán ngay từ bây giờ là trở thành quốc gia vượt qua đại dịch trước nhất và chịu tổn hại ít nhất. Như vậy, sẽ có thể nắm bắt được cơ hội thuận lợi đầu tiên trong việc tái khởi động nền kinh tế, phục hồi nhanh các hoạt động trong những lĩnh vực bị tổn thương và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Chúng ta phải sớm biến Việt Nam thành một điểm đến an toàn và tốt nhất cho các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế.
Đó không phải là chuyện của một vài doanh nghiệp mà của cả cộng đồng doanh nghiệp, chuyện của Chính phủ và của toàn dân. Phải xây dựng một chiến lược ngay từ hôm nay để bảo đảm sự phối hợp hiệu quả và năng động của toàn thể xã hội, toàn thể cộng đồng. Đó sẽ là một chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ hậu Covid-19.