Việc rà roát pháp luật về đầu tư kinh doanh phải được làm thường xuyên, liên tục. Ảnh: Lê Tiên |
Bất hợp lý sẽ sửa ngay
Hội thảo do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức thu hút sự tham gia của gần 200 DN hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực ngành, nghề. Có thể nói, chưa bao giờ chủ đề rà soát pháp luật về ĐTKD lại “nóng” và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng DN như hiện nay.
Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế của VCCI cho biết, quá trình rà roát pháp luật về ĐTKD thời gian qua cho thấy, hiện nhiều quy định của các luật chuyên ngành đang không phù hợp với Luật Đầu tư, Luật DN 2014. VCCI đang đề xuất sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến ĐTKD, trong đó có: Luật Thương mại; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Khoa học công nghệ; Bộ luật Lao động; các luật về thuế; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh… “Con số văn bản luật cần điều chỉnh, thay đổi vẫn đang tiếp tục tăng lên khi ngay tại Hội thảo đã có tới khoảng 50 luật liên quan gián tiếp khác cũng được đề nghị cần sửa đổi vì cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và DN”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, chính bản thân Luật Đầu tư, Luật DN hiện cũng đang bộc lộ những quy định chưa hợp lý. Có tới gần 30 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định trong Luật không thực sự cần thiết và nhiều quy định cần sửa đổi, bổ sung hoặc hợp nhất.
Từ kết quả rà soát, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề xuất: “Việc rà xét pháp luật liên quan đến ĐTKD phải là việc làm thường xuyên, liên tục. Hằng năm Quốc hội cần xây dựng 1 luật sửa nhiều luật liên quan đến ĐTKD. Thậm chí, 1 luật sửa nhiều luật liên quan đến ĐTKD chỉ có 1 điều, nếu thấy cần thiết”.
Tuy nhiên, một số DN vẫn bày tỏ băn khoăn về việc sự thay đổi liên tục của các quy định pháp luật khiến DN “trở tay không kịp”. Chia sẻ vấn đề này, ông Lộc cho rằng: “DN mong muốn ổn định pháp luật là đúng, nhưng chỉ là tương đối. Nếu thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN làm ăn kinh doanh thì sẽ tốt hơn là duy trì sự ổn định theo hướng bất hợp lý. Khác với việc các luật muốn thay đổi phải “xếp hàng” 5 - 6 năm mới thay đổi được thì nay, nếu phát hiện có sai sót, bất hợp lý thì yêu cầu sửa ngay, kể cả những luật vừa mới ban hành”.
Cần sự chung tay của doanh nghiệp
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, việc rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về ĐTKD là một cuộc cách mạng về cải cách thể chế. Để cuộc rà soát tập trung, đạt hiệu quả cao và đủ sức thuyết phục với Quốc hội thì cần thống nhất cách thức rà soát một cách bài bản và khoa học. Cuộc rà soát phải có sự tham gia trực tiếp của 3 đối tượng, bao gồm: hiệp hội ngành nghề liên quan chủ trì tập hợp các ý kiến chuyên gia về các pháp luật liên quan tới ngành nghề đó; có sự tham gia trực tiếp của các bộ, ngành quản lý ngành nghề; tổ chức nghiên cứu độc lập như luật sư, tổ chức xã hội…
Theo ông Huỳnh, các bộ, ngành cũng phải tham gia ngay từ đầu để thu thập thông tin. 4 cơ quan gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp và VCCI sẽ điều phối toàn bộ hoạt động, giải quyết những vấn đề chưa thống nhất, còn mâu thuẫn.
Có chung quan điểm này, tại Hội thảo, đại diện VCCI, ông Vũ Tiến Lộc mong muốn cộng đồng DN và các hiệp hội DN chung tay xây dựng thể chế, không coi đây là việc riêng của Chính phủ. “Sắp tới, VCCI sẽ nhóm họp các hiệp hội theo các nhóm ngành, nghề để lấy ý kiến sâu rộng nhằm nâng cao hiệu quả rà soát pháp luật về ĐTKD. Các DN cần tích cực tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về ĐTKD” - ông Lộc kêu gọi.