Để nguồn lực đất nước tạo nên tăng trưởng vững vàng

(BĐT) - Năm 2025, hàng loạt dự án đầu tư công mới được triển khai cũng như chuẩn bị hoàn thành, trong đó phần lớn là những công trình hạ tầng giao thông có tính chất kết nối, mở rộng không gian phát triển cho đất nước. Lãnh đạo nhiều địa phương và các chủ đầu tư tin rằng, việc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công được giao sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nhiều vùng miền, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững.
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông có tính chất kết nối, mở rộng không gian phát triển đang được đồng loạt triển khai. Ảnh: Nhã Chi
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông có tính chất kết nối, mở rộng không gian phát triển đang được đồng loạt triển khai. Ảnh: Nhã Chi

Sóc Trăng quyết tâm bứt tốc giải ngân vốn đầu tư công

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Năm 2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của Sóc Trăng là hơn 9.015 tỷ đồng, tăng đáng kể so với các năm trước. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng, đóng vai trò "đầu kéo" cho đầu tư tư nhân và toàn bộ nền kinh tế của địa phương. Từ đầu năm, Tỉnh đã quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% và phấn đấu đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc tiến hành phân bổ chi tiết 100% vốn kế hoạch năm 2025 từ sớm, Sóc Trăng cũng chủ động chuẩn bị điều kiện đầu tư từ các khâu thủ tục, hồ sơ pháp lý đến nâng cao tính khả thi, sẵn sàng triển khai dự án ngay từ những tháng đầu năm. Kế đến là xây dựng kế hoạch, lộ trình giải ngân cụ thể theo từng tháng, đăng ký tiến độ chi tiết, bảo đảm kiểm soát sát sao và kịp thời điều chỉnh khi cần thiết. Theo đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương một bước trong thực hiện giải ngân, gắn trách nhiệm với người đứng đầu các đơn vị. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thường xuyên giao ban định kỳ, kiểm tra hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến giải phóng mặt bằng, giá vật liệu và các thủ tục về đất đai để thúc đẩy tiến độ thi công

Đến cuối tháng 4/2025, tiến độ giải ngân đầu tư công của Sóc Trăng dần bứt tốc. Chúng tôi quyết tâm thông xe Dự án Đường trục Đông Tây vào dịp Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và sau đó đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6/2025. Đây sẽ là tuyến đường động lực phát triển mới cho Sóc Trăng. Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng đang được nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Đây là dự án chiếm hơn 30% số vốn kế hoạch năm 2025 của Tỉnh. Do đó, Tỉnh luôn chủ động kiểm tra, đôn đốc nhà thầu, yêu cầu tăng ca, bố trí thiết bị, nhân lực đầy đủ, nghiêm khắc xử lý các đơn vị vi phạm tiến độ hợp đồng.

Bên cạnh đó, Tỉnh chủ động rà soát định kỳ để cắt giảm vốn các dự án chậm triển khai, bổ sung cho các dự án trọng điểm, có khả năng giải ngân nhanh, đặc biệt là dự án đường cao tốc, kết nối liên vùng và các công trình có tính chất động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Tôi tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, Sóc Trăng sẽ hoàn thành vượt mức mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2025, tạo nền tảng để đạt tăng trưởng kinh tế bền vững.

Long An phấn đấu quý II/2025 giải ngân đạt trên 50% kế hoạch vốn

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Tính đến tháng 4, giải ngân đầu tư công của Long An đạt 1.130 tỷ đồng, bằng 11,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, 12,67% kế hoạch UBND Tỉnh phân bổ, cao hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước (9,53%). Trong nhiều năm liên tục, Long An luôn nằm trong TOP đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo các sở, ngành và địa phương để vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Khối lượng công việc, nhiệm vụ thời gian còn lại của năm 2025 rất nặng nề. Theo đó, Tỉnh yêu cầu sự quyết tâm của các sở ngành, địa phương, bắt tay làm ngay, không chần chừ, không chờ đợi, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ theo kịch bản tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Cụ thể, chúng tôi yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trên những lĩnh vực đã được giao; đẩy nhanh công tác giải ngân đầu tư công, nhất là các công trình, danh mục chuyển tiếp, phấn đấu quý II/2025 giải ngân đạt trên 50% kế hoạch vốn; tập trung cao độ cho công tác thu ngân sách nhà nước, quyết tâm thu đạt theo nghị quyết đã đề ra. Các chủ đầu tư theo dõi tiến độ thực hiện, kịp thời đề xuất UBND Tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án đầu tư trọng điểm, không để khó khăn tồn đọng, kéo dài, cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng Nai nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, tạo sức bật cho kinh tế địa phương

Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai

Năm 2025, chúng tôi được tỉnh Đồng Nai giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 2.513,289 tỷ đồng, tập trung cho nhóm 8 dự án, công trình trọng điểm, gồm: Hương lộ 2 nối dài; Đường ven sông cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản; Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (TP. Biên Hòa); Tuyến đường kết nối vào cảng Phước An; Nâng cấp đường 25B đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch ra Quốc lộ 51 (huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch); Đường 25C đoạn từ Quốc lộ 51 đến Hương lộ 19 giai đoạn 1 (huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch); Dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án thành phần 3 Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Quy mô kế hoạch vốn lớn so với những năm gần đây, đặt ra áp lực về tiến độ giải ngân.

Hiện lượng vốn giải ngân cho các dự án chưa đạt kỳ vọng do vướng mắc về mặt bằng và thiếu nguồn vật liệu xây dựng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án giao thông trọng điểm, UBND Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là những điểm nghẽn then chốt. Đơn cử, tại Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, các gói thầu quan trọng đang được ưu tiên thi công 3 ca 4 kíp. Một số công trình như đường kết nối vào cảng Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai bắt đầu có chuyển biến tích cực. Nhiều nhà thầu đã tăng ca, tập trung thi công các đoạn đã có mặt bằng với hàng trăm công nhân và máy móc hoạt động suốt ngày đêm.

Với tinh thần quyết liệt, giải pháp cụ thể, 2 vướng mắc lớn về mặt bằng và vật liệu từng bước được tháo gỡ dứt điểm, chúng tôi kỳ vọng tiến độ xây dựng, giải ngân sẽ “bứt tốc” từ quý II/2025, góp phần đưa các dự án về đích đúng lộ trình, mang tới diện mạo mới, hiện đại cho hệ thống hạ tầng, đồng thời mở rộng không gian đô thị, kết nối vùng và thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Lào Cai tập trung vốn ngân sách trung ương cho các dự án trọng điểm, liên vùng

Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Năm 2025, Lào Cai được giao 4.863 tỷ đồng kế hoạch vốn, gồm 3.391 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và 1.472 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương. Vốn ngân sách trung ương chủ yếu tập trung cho các dự án trọng điểm, kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Trong quý I/2025, các chủ đầu tư trên địa bàn đã tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 và hoàn thiện thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2024 sang năm 2025 theo quy định. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan và chủ quan, tiến độ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản (đặc biệt là các dự án giao thông) các tháng đầu năm 2025 vẫn chưa cao. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành một số nghị quyết, chỉ thị yêu cầu chủ đầu tư trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Chúng tôi đã thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đốc thúc địa phương thực hiện khối lượng và giải ngân kế hoạch đầu tư công, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể cho từng dự án, nhất là các vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

UBND tỉnh Lào Cai giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo tháng cho từng đơn vị trực thuộc, từng chủ đầu tư phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, xây dựng kế hoạch thực hiện và cam kết giải ngân từng tháng cho từng dự án, bao gồm kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục, khối lượng thi công.

Quảng Nam xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với sự phát triển kinh tế toàn tỉnh

Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Là một trong những địa phương được giao kế hoạch vốn đầu tư công lớn trong năm 2025 với hơn 8.311 tỷ đồng, đến hết tháng 3/2025, Quảng Nam đã phê duyệt phân bổ 8.058 tỷ đồng (đạt 97%), số vốn còn lại chưa phân bổ theo kế hoạch là 248 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương có 157 tỷ đồng chưa phân bổ do không còn nhu cầu, Tỉnh đã đề xuất nộp trả; vốn ngân sách tỉnh 91 tỷ đồng chưa phân bổ do các dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn.

Từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Quảng Nam đặt ra quyết tâm và xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội toàn Tỉnh. Tuy nhiên, đến hết tháng 3/2025, mới giải ngân được 8,3% kế hoạch vốn UBND Tỉnh giao, tương ứng hơn 690 tỷ đồng; giải ngân nguồn vốn trung ương giao đạt 9,7%, tương ứng 284 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó có việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, dẫn đến chậm trễ chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư, ảnh hưởng tính liên tục của dự án. Ngoài ra, các dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở cấp huyện, xã phải dừng lại để tránh lãng phí trong bối cảnh tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó, Quảng Nam đang đối mặt với vấn đề thiếu vật liệu xây dựng, nhất là cát và đất san lấp, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ nhiều công trình giao thông trọng điểm ở huyện Núi Thành và huyện Quế Sơn. Thời tiết bất lợi cũng là nguyên nhân khiến nhiều hạng mục thi công bị gián đoạn.

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Tỉnh đặc biệt nhấn mạnh việc cá thể hóa trách nhiệm, phân công rõ người - rõ việc - rõ tiến độ - rõ kết quả. Đồng thời, chủ động rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang dự án có nhu cầu vốn cao ngay trong tháng 4/2025.

Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là chỉ tiêu tài chính, mà còn là động lực lan tỏa cho cả hệ thống chính trị, kinh tế và an sinh xã hội. Quảng Nam đặt mục tiêu giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công năm 2025 và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công chậm trễ không có lý do chính đáng.

Ban QLDA Mỹ Thuận đang và sẽ kiểm soát chặt tiến độ thi công của các nhà thầu

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng)

Trong thời gian qua, Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận đã nỗ lực, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án được giao. Nhờ đó, kết quả giải ngân kế hoạch vốn của Ban thường đạt trên 95%. Hàng loạt dự án trọng điểm được giao đã được Ban cùng các nhà thầu nỗ lực vượt khó để đẩy nhanh tiến độ, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Cụ thể, đơn vị đã đưa vào sử dụng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, khởi công các hạng mục bổ sung cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hoàn tất thủ tục và thiết kế kỹ thuật cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, cùng Dự án Nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ. Ngoài ra, đơn vị đạt tiến độ rất tốt trong thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, cầu Rạch Miễu 2 và Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Về công tác chuẩn bị cho dự án mới, hiện đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, cầu Cần Thơ 2, tuyến Đức Hòa - Mỹ An. Đối với các dự án đường bộ cao tốc, trong mục tiêu 3.000 km hoàn thành năm 2025, Bộ Xây dựng phải hoàn thành khoảng 800 km, trong đó Ban QLDA Mỹ Thuận chịu trách nhiệm khoảng 190 km. Đây là áp lực lớn nhưng Ban luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Chính phủ cũng như các địa phương. Do đó, chúng tôi xác định đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự được đóng góp công sức, hoàn thành mục tiêu chung 3.000 km đường cao tốc cho đất nước.

Để đạt được mục tiêu, Ban QLDA Mỹ Thuận luôn kiểm soát chặt kế hoạch, tiến độ thi công của nhà thầu. Đối với các hạng mục có nguy cơ chậm tiến độ, Ban có giải pháp kịp thời xử lý, xác định đường găng tiến độ để chỉ đạo nhà thầu huy động nhân lực, vật lực thi công, tăng mũi thi công, tăng ca tăng kíp.

Phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2025

Ông Phùng Tuấn Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long

Ban QLDA Thăng Long được giao làm đại diện chủ đầu tư đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ năm 2025 là hơn 4.196 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn Ban QLDA Thăng Long đã đăng ký với Bộ Xây dựng đến cuối tháng 4/2025 là 841 tỷ đồng và dự kiến đến ngày 30/4/2025 sẽ giải ngân đạt kế hoạch đề ra.

Để giải ngân tối đa kế hoạch vốn năm 2025 được giao, Ban QLDA Thăng Long đang bám sát kế hoạch giải ngân hàng tháng, thường xuyên cập nhật tình hình của các dự án để có biện pháp bù giá trị giải ngân trong trường hợp chưa đáp ứng kế hoạch đã đăng ký.

Bên cạnh đó, các bộ phận của Ban liên tục phối hợp chặt chẽ về nghiệp vụ nhằm thanh toán tối đa sản lượng nhà thầu đã thi công và đủ điều kiện thanh toán. Để bảo đảm hiệu quả giải ngân trong năm 2025, tháng 4/2025, Ban đã có văn bản trình Bộ Xây dựng để điều hòa, điều chỉnh tỷ lệ giải ngân các dự án nội bộ trong Ban. Năm 2025, Ban QLDA Thăng Long phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Tin cùng chuyên mục