Để quốc gia trở thành thể thống nhất trong phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính nhằm nâng cao sức cạnh tranh, huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực vì lợi ích quốc gia là mục tiêu quan trọng của việc lập quy hoạch.
Quan điểm, mục tiêu phát triển chung của vùng và địa phương phải đặt trong bài toán quy hoạch tổng thể của quốc gia. Ảnh: Tiên Giang
Quan điểm, mục tiêu phát triển chung của vùng và địa phương phải đặt trong bài toán quy hoạch tổng thể của quốc gia. Ảnh: Tiên Giang

Nhân dịp xuân mới, Báo Đấu thầu đã trao đổi với ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về cách khắc phục tình trạng chia cắt, tách biệt trong phát triển thời gian qua thông qua quy hoạch.

Thưa ông, trong thời gian tới quy hoạch tổng thể quốc gia có những đột phá, tầm nhìn dài hạn nào để đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới?

Ông Đinh Trọng Thắng

Ông Đinh Trọng Thắng

Những định hướng đột phá chính về tổ chức không gian đang được nghiên cứu và thảo luận tại Khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia gồm: định hướng không gian phát triển quốc gia như một thể thống nhất, mở cửa, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu, hạn chế các địa phương cạnh tranh không lành mạnh với nhau; qua đó các nguồn lực được huy động và sử dụng hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.

Tiếp cận theo hướng tạo đột phá phát triển, không tuần tự, tăng cường áp dụng tư duy phát triển mới như: xác định và tập trung nguồn lực, đầu tư đồng bộ các hành lang kinh tế trọng điểm và các vùng động lực tăng trưởng, đi trước, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, ngân sách quốc gia; phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế; huy động các nguồn lực xây dựng đường sắt tốc độ cao, xây dựng đô thị gắn với cảng hàng không cửa ngõ.

Tập trung đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tăng cường khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải.

Tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước và các vùng; tăng cường liên kết đô thị và nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, sinh thái. Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mỗi vùng trên cả nước sẽ phát triển với những ngành, lĩnh vực cốt lõi nào để đảm bảo bức tranh tổng thể đất nước có sự liên kết chặt chẽ, thống nhất cao, thưa ông?

Việc định hướng phát triển vùng và ngành, lĩnh vực tập trung vào hai cách tiếp cận chủ yếu. Một là, tiếp cận từ tiềm năng, lợi thế để xác định mục tiêu, định hướng phát triển. Hai là, tiếp cận từ cân đối tổng thể, từ mục tiêu chung của đất nước để định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, các vùng.

Trên cơ sở các cách tiếp cận và phương pháp này, Khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như các khung định hướng quy hoạch vùng đã xác định các ngành, nghề, địa bàn ưu tiên phát triển cho từng vùng.

Câu chuyện cát cứ, tách biệt trong phát triển giữa các địa phương, vùng, miền đã làm phân tán nguồn lực quốc gia thời gian qua. Tình trạng này sẽ được giải quyết như thế nào?

Nội dung và chất lượng công tác quy hoạch thời gian tới được kỳ vọng cải thiện đáng kể so với trước đây. Việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng và gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.

Việc đảm bảo sự liên kết, kết nối phát triển giữa vùng và địa phương trong các bản quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương được bảo đảm qua quy trình lập quy hoạch. Theo đó, tăng cường sự phối hợp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, bao gồm phối hợp ngang giữa các cơ quan và chính sách của các ngành khác nhau, phối hợp dọc giữa các cấp chính quyền và phối hợp, liên kết vùng giữa các vùng và địa phương lân cận.

Đảm bảo sự tích hợp về cơ sở dữ liệu quy hoạch, về đánh giá hiện trạng, xác định các vấn đề và các ưu tiên chiến lược của lãnh thổ quy hoạch. Quan điểm, mục tiêu phát triển chung của vùng và địa phương phải đặt trong bài toán quy hoạch tổng thể của quốc gia... Từ đó đảm bảo tính kết nối, hạn chế chồng chéo, đạt được mục tiêu phát triển chung, tổng thể đất nước.

Các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được lập đồng thời, kết hợp cách tiếp cận "từ trên xuống" với cách tiếp cận "từ dưới lên", qua đó tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin và chế độ báo cáo trong quá trình triển khai lập quy hoạch giữa bộ, ngành, địa phương, cùng đạt tới sự đồng thuận và đồng bộ, kết nối giữa các loại quy hoạch.

Dữ liệu quy hoạch là thông tin vô cùng quan trọng để thực hiện tích hợp. Hiện việc vận hành thử nghiệm Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch như thế nào, thưa ông?

Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng xong Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia từ năm 2018. Hệ thống này được xây dựng với cơ sở dữ liệu cơ bản gồm: cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch; cơ sở dữ liệu nền địa lý và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp và cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý; các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm cung cấp và cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Hệ thống được xây dựng phục vụ nhiều đối tượng sử dụng, là các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng; có sự kết nối, liên thông với Cổng thông tin Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương theo quy định.

Hệ thống này có đóng góp quan trọng vào việc công khai, minh bạch các hoạt động quy hoạch, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người dân tiếp cận thông tin về quy hoạch quốc gia.

Quan trọng hơn, cơ sở dữ liệu trong Hệ thống không chỉ phục vụ trong giai đoạn xây dựng quy hoạch mà còn phục vụ công tác quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi các quy hoạch được lập và phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục