Theo quan điểm của Chính phủ, việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết, góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Ảnh minh họa |
Để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, Chính phủ vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có đưa ra các tiêu chí cụ thể khi đề xuất các nội dung trong Dự thảo Luật.
Theo Dự thảo Luật, Chính phủ trình đề nghị bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Qua thảo luận của các ĐBQH, có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng việc sửa đổi, bổ sung các quy định về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để bảo đảm thực chất, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho nhà đầu tư và tuân thủ Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư.
Chính phủ đã đưa ra 4 tiêu chí để xem xét, bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Một là, các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hai là, các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Ba là, các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh. Bốn là, các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.
Dựa trên 4 tiêu chí này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, cơ quan liên quan, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức rà soát, tiếp tục đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, đồng thời hoàn thiện đánh giá tác động của việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề.
Liên quan tới quy định về hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 2 quan điểm trái chiều đã được các ĐBQH đưa ra. Một là, đề nghị không cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì đây là vấn đề thị trường; thay vào đó, cần quy định chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống tòa án, các tổ chức hòa giải. Hai là, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” do nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen... gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo quan điểm của Chính phủ, việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ này là cần thiết. Bởi, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền hiện đại; các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật.
Tuy nhiên, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp phù hợp với các quy định của pháp luật.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, sẽ phối hợp cùng cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiếp tục nghiên cứu, rà soát về các nội dung nêu trên tại dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9.