Khi cắt giảm được 22 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, lập tức hàng ngàn thủ tục sẽ được cắt giảm, từ đó giải phóng sức sản xuất cho doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang |
Đề cập về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, đó là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp (DN); đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và được thể chế hóa trong Luật Đầu tư. Theo quy định tại Điều 8 của Luật Đầu tư, Quốc hội giao Chính phủ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
“Do vậy, việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và DN”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Quách Ngọc Tuấn cho biết, cơ quan soạn thảo đưa ra tiêu chí rõ ràng trong quá trình rà soát, đề xuất bãi bỏ các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tiêu chí thứ nhất căn cứ vào quy định của Luật Đầu tư là khi nào được đặt ra điều kiện đầu tư kinh doanh, tức là phải trong trường hợp cần thiết vì mục tiêu quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Theo đó, một điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành mà không đáp ứng tiêu chí này thì phải bãi bỏ khỏi Danh mục. Thứ hai, nếu Nhà nước có công cụ quản lý khác hiệu quả hơn như tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể thì đưa ra khỏi Danh mục. Thứ ba, chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn và quyết định...
Cũng theo ông Tuấn, tại lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo Luật kiến nghị hoàn thiện khái niệm về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, từ đó thống nhất tiêu chí khi đặt ra điều kiện kinh doanh của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo quá trình ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch.
Đánh giá cao đề xuất của Bộ KH&ĐT, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: “Đây là đề xuất tích cực, là điểm nhấn quan trọng của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN. Bởi khi cắt giảm được 22 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như đề xuất, lập tức hàng ngàn thủ tục sẽ được cắt giảm, từ đó giải phóng sức sản xuất cho DN để thực hiện quyền tự do kinh doanh tốt hơn, đảm bảo cho DN có thể tận dụng tốt các cơ hội của thị trường”.
Ông Lộc nhấn mạnh, hiện nay, thủ tục hành chính với DN không chỉ là vấn đề tiền bạc, thời gian, mà chính là cơ hội kinh doanh. Trong thời đại 4.0 mà cơ hội kinh doanh thay đổi nhanh như hiện nay, khi thủ tục hành chính quá phức tạp, không tiên liệu được, chậm một giờ, một ngày, DN có thể mất cơ hội kinh doanh. Vì thế, việc giải phóng cho DN khỏi 22 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện cùng hàng ngàn thủ tục… sẽ tạo động lực cho sự phát triển của DN trong những ngành nghề này”.