Đề xuất bắt buộc dán thẻ ETC khi đăng kiểm ôtô: Lợi cơ quan quản lý, đẩy khó cho chủ phương tiện

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam (Cục ĐKVN) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định việc dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm xe ôtô. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến không đồng tình. Thẻ thu phí không dừng (ETC) sử dụng trên cao tốc, sao bắt tất cả xe ôtô phải dán thẻ, cho dù có đi trên cao tốc hay không?
Một điểm đăng kiểm ôtô tại Hà Nội
Một điểm đăng kiểm ôtô tại Hà Nội

Tại sao trách nhiệm chỉ thuộc về chủ thẻ?

Theo đại diện Cục ĐKVN, Bộ GTVT mới yêu cầu nghiên cứu bổ sung đề xuất trên. Hiện cục đang đánh giá kỹ các tác động, văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia để tổng hợp, tham mưu phương án phù hợp và hiện nay chưa có quy định cụ thể bắt buộc phương tiện phải dán thẻ thu phí ETC khi đi đăng kiểm. Đại diện Cục ĐKVN khẳng định, hiện nay chưa có quy định bắt buộc xe ôtô phải dán tem thu phí không dừng (ETC) khi đi đăng kiểm. Đơn vị cũng đang xem xét có phương án xử lý phù hợp với các quy định.

Bộ GTVT cũng mới có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để các bất cập phát sinh của hệ thống thu phí ETC trên các tuyến cao tốc và các tuyến đường giao thông huyết mạch; có phương án xử lý phù hợp, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Đồng thời, yêu cầu các nhà đầu tư BOT và các nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC chủ động rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC, nhất là những lỗi không nhận diện thẻ định danh của phương tiện.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện mới chỉ có quy định các trạm thu phí phát sinh các lỗi thẻ ETC, để xảy ra ùn tắc phải dừng thu phí (xả trạm). Nhiều ý kiến cho rằng, dù đã có lộ trình dán thẻ, nhưng với quy định này, trách nhiệm chính, chủ yếu đối với lái xe, trong khi các lỗi phát sinh về hệ thống nhận diện đọc thẻ, bong mất thẻ, việc truyền dữ liệu tài khoản trên hệ thống thu phí ETC thiếu đồng bộ... thì nhà cung cấp dịch vụ cũng phải có trách nhiệm khắc phục.

Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn (Công ty Luật Vimaxasia) cho biết, theo quy định khi phương tiện đủ các điều kiện như bảo hiểm, đang trong thời hạn được phép lưu hành và không có văn bản pháp luật khác yêu cầu phương tiện không được phép lưu hành thì bắt buộc phải đăng kiểm cho phương tiện. Việc phát sinh thẻ thu phí không dừng (ETC) là tình huống phát sinh của cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý giao thông đường bộ và ở đây chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ ở những văn bản liên quan đến quản lý Nhà nước về đường bộ.

Theo đó xét về mặt pháp luật thì không thể quy định bắt buộc phải dán thẻ ETC mới được phép đăng kiểm phương tiện. “Để quản lý Nhà nước thuận lợi và quản lý hệ thống đường bộ đồng bộ về thu phí và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư thì cần phải xây dựng dự thảo Nghị định lên Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị định để đồng bộ hoá quản lý Nhà nước với các quy định của pháp luật” - luật sư Toàn cho biết.

Có thể xử phạt nguội vi phạm

Ngay sau khi có văn bản của Bộ GTVT yêu cầu về nghiên cứu, bổ sung quy định việc dán thẻ thu phí tự động không dừng ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm, đã có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, nhất là không phù hợp với thực tế. Nhiều chủ phương tiện cho rằng, đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện, còn việc dán thẻ ETC về bản chất là hình thức sử dụng dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Theo anh Lương Văn Giáp (Nho Quan, Ninh Bình), việc quy định phương tiện buộc phải dán thẻ ETC mới được phép đăng kiểm là vô lý vì hiện xe của anh chỉ đi trong tỉnh, không đi vào cao tốc nếu dán thẻ ETC rất lãng phí.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Quyền - cho biết, tại Nghị định 100/CP mới quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản đi vào cao tốc. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chưa được đề cập. Nội dung này cần phải được bổ sung, công khai, minh bạch.

Ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cũng cho biết, hiện mới chỉ xử lý trách nhiệm theo hợp đồng kinh tế giữa các bên. Cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm này được quy định tại Thông tư 15 của Bộ GTVT quy định về trạm thu phí đường bộ.

Các trạm thu phí để xảy ra lỗi phải dừng thu phí (xả trạm) và nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC phải có trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư BOT. Nếu lỗi do nhà đầu tư BOT thì doanh thu sẽ không được tính thời gian xả trạm vào phương án tài chính. Cũng theo ông Tô Nam Toàn, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị vận hành, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ tối đa cho chủ phương tiện. Chỉ trường hợp chủ phương tiện có hành vi chống đối mới mời lực lượng chức năng xử lý. Về lâu dài, tổng cục sẽ phối hợp với lực lượng CSGT sẽ tiến hành xử phạt nguội bằng hình ảnh các hành vi vi phạm thu phí ETC.

Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Lê Đình Thọ - cho biết, Bộ GTVT vẫn đang tập trung giải quyết, khắc phục triệt để các lỗi, bất cập phát sinh, để đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho người dân. Trước mắt giải quyết căn cơ các vấn đề đang tồn tại và kiến nghị Chính phủ ban hành khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/QĐ-TTg, để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí ETC lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.