Việc kết nối giao thông Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Khu trung tâm TP.HCM là rất bức thiết. Ảnh: Lê Tiên |
Thành phố sẽ thanh toán bằng quỹ đất
Trong văn bản của UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2016, một trong những kiến nghị quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm đó là, sớm chấp thuận đầu tư Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức PPP (hợp đồng BT) và cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Theo đó, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm xem xét, lựa chọn chỉ định nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án.
Sở dĩ có kiến nghị này là vì trước đó, Liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 đã đề xuất với UBND Thành phố được tham gia thực hiện Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Xét thấy các thành viên của Liên danh có tiềm lực tài chính vững mạnh, có năng lực, kinh nghiệm thực hiện thành công nhiều dự án lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cầu đường nên UBND TP.HCM đã mạnh dạn đưa ra đề xuất trên với Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, Liên danh nhà đầu tư này đã từng thực hiện hoàn thành Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Mỹ Lợi từ Km34+826 - Quốc lộ 50 trên địa bàn tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 1.439 tỷ đồng. Tuy thời gian thi công quy định là 20 tháng, nhưng Liên danh chỉ thi công Dự án trong 18 tháng, sớm hơn so với kế hoạch đăng ký với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) 2 tháng, được Bộ GTVT nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày 2/9/2015 và cho phép thu phí từ ngày 13/11/2015.
“Trong điều kiện ngân sách Thành phố còn hạn chế, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhanh chóng triển khai Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, chúng tôi cho rằng, phương án trên là hoàn toàn hợp lý”, ông Khoa nhấn mạnh và cho biết: “TP.HCM đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương thức thanh toán cho nhà đầu tư là sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho Thành phố khai thác sử dụng. Đổi lại, Thành phố sẽ thanh toán bằng quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và tại các vị trí khác trên địa bàn Thành phố cho nhà đầu tư theo quy định”.
Nhà đầu tư sẽ quyết tâm thực hiện
Cũng theo ông Đạt, tổng mức đầu tư của dự án này là 5.254 tỷ đồng, chưa bao gồm: chi phí lãi vay trong quá trình thi công, các chi phí tài chính có liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư. Các chi phí này sẽ được xác định trong quá trình thương thảo, đàm phán hợp đồng BT. Với mục tiêu đầu tư là kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Nam Thành phố, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nên Liên danh đưa ra quyết tâm thực hiện rất cao nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án này là, trước đó ngày 12/11/2015, Bộ GTVT có Công văn số 15080/BGTVT-KHĐT có ý kiến: Việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy Đóng tàu Ba Son được thực hiện theo Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhưng chưa bao gồm các cầu cảng K12, K12A, K12B sẽ bị ảnh hưởng do việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với khẩu độ 80x10m. Vì vậy, muốn giải quyết định tĩnh không, khẩu độ khoang thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 là 80x10m thì cần điều chỉnh quy hoạch các cảng trên sông Sài Gòn, Nhà máy Đóng tàu Ba Son và di dời các cầu cảng K12, K12A, K12B được duyệt theo Quyết định số 791/QĐ-TTg.
Mặt khác, khi di dời Cảng Sài Gòn - Khánh Hội về khu vực Cảng Hiệp Phước (dự kiến thực hiện vào năm 2016 - 2017) theo Quyết định số 791/QĐ-TTg nói trên của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi bến cảng thượng lưu cầu Thủ Thiêm 4 còn lại khoảng 280m và một phần sẽ bị ảnh hưởng bởi hành lang cầu Thủ Thiêm 4. Do vậy, cần điều chỉnh quy hoạch cảng biển nhóm 5 (di dời toàn bộ các cảng biển thượng lưu cầu Thủ Thiêm 4 về cảng Hiệp Phước) là cần thiết, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông khu vực nội đô.
Theo quy hoạch tổng thể TP.HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm Thành phố mới, hiện đại, phần mở rộng của Khu đô thị hiện hữu và là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi và giải trí của Thành phố. Để phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc kết nối giao thông với Khu trung tâm hiện hữu là rất bức thiết. Trong đó, Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được Thành phố xác định là công trình cấp bách cần ưu tiên đầu tư. Vì vậy, UBND TP.HCM đang rất trông chờ vào quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.