Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km qua địa phận TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP; được chia thành 7 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án.
Qua kết quả tính toán, phân tích hiệu quả tài chính, Dự án thành phần 3 (đầu tư theo phương thức PPP) đảm bảo hiệu quả tài chính, thời gian thu phí là 21 năm.
Đối với Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, tổng chiều dài tuyến là 76,34 km qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư dự án.
Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án là từ năm 2022 - 2027.
Cơ chế nguồn vốn đầu tư áp dụng chung cho cả 2 dự án được Chính phủ đề xuất, cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021 - 2025) đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ tương ứng các dự án; cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Đối với cơ chế chỉ định thầu, Tờ trình của Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 - 2023). Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện, dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.
Đối với việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Thẩm tra Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 dự án.
Cho ý kiến về nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương (NSTW), UBKT cho rằng, việc Chính phủ dự kiến nguồn lực NSTW trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải và nguồn NSTW chưa phân bổ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cơ bản hoàn thành các dự án này là phù hợp với mục tiêu, định hướng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 4/6/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Thông báo kết luận số 1124/TB-TTKQH, trong đó dự kiến bố trí 5.133 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 4 và 14.233,437 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 3 từ nguồn NSTW chưa phân bổ. UBKT đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Danh mục đầu tư từ nguồn chưa phân bổ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 29/2021/QH15.
Về ngân sách địa phương (NSĐP), theo quy định của pháp luật hiện hành, khi quyết định chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn. Đến nay, Hội đồng nhân dân các địa phương đã ban hành các Nghị quyết cam kết bố trí vốn cho 2 dự án này. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho các dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn NSĐP cho 2 dự án.
Liên quan tới cơ chế chỉ định thầu và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án, UBKT nhận thấy hai cơ chế này đã được quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ áp dụng cho các gói dự án thuộc phạm vi Chương trình trong 2 năm (2022 - 2023). Do đó, đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm (2022 và 2023). Một số ý kiến khác trong UBKT đề nghị áp dụng các cơ chế này trong 2 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.