Tại Hội thảo góp ý Dự án Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu thẳng thắn nhận định, có hiện tượng “quân xanh quân đỏ” trong bán đấu giá tài sản. Ảnh: Văn Huyền |
Chưa rõ chế tài với “quân xanh quân đỏ”
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đấu giá tài sản vẫn đang được tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện. Trong đó, nổi cộm là các vấn đề về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản; Xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại và thù lao dịch vụ đấu giá tài sản.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, TS. Trần Du Lịch thẳng thắn nhận xét, có hiện tượng “quân xanh quân đỏ”, “chân gỗ” trong hoạt động bán đấu giá tài sản. “Luật Đấu giá tài sản phải có chế định khắc phục hiện tượng tiêu cực này”, ông Lịch nêu quan điểm, đồng thời đặt vấn đề: “Các hành vi nghiêm cấm đã được liệt kê nhiều nhưng nếu vi phạm những điều cấm này thì biện pháp xử lý là như thế nào? Những hành vi gian lận, dìm giá trong tổ chức đấu giá có bị răn đe và xử lý đúng mực?”.
Các quy định về đấu giá viên nêu trong Dự thảo Luật cũng khiến nhiều đại biểu quan ngại. “Chúng ta đều biết rằng, lĩnh vực công tác bổ trợ tư pháp quan trọng nhất là đạo đức, phải tuyên thệ trước tòa, trung thực khi làm luật. Kiểm soát đạo đức phải là hội nghề nghiệp. Điều này chưa được thể hiện trong Dự thảo Luật” - đại diện một công ty đấu giá tài sản tại TP.HCM nêu ý kiến.
Theo ông Trần Du Lịch, Điều 8 của Dự thảo Luật quy định rất kỹ những hành vi nghiêm cấm đối với đấu giá viên. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại không có quy định nếu đấu giá viên vi phạm các quy định tại Điều 8 thì sẽ có chế tài thế nào?
Ông Đinh Đăng Dung, Giám đốc Chi nhánh Công ty Hợp danh và Bán đấu giá tài sản Phương Nam cho rằng, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản có nhiều điểm nên xem xét lại, bởi mọi người đều nhìn thấy bán đấu giá có tiêu cực. Đó là tiêu cực giữa người có tài sản và người tổ chức bán đấu giá. Tiêu cực thứ hai là giữa đấu giá viên và người mua tài sản.
Theo ông Dung, nếu một phiên đấu giá không có thông tin rõ ràng trên báo chí thì rất dễ có sự thông đồng, vì có rất nhiều người muốn mua tài sản nhưng không biết tài sản đó được bán ra sao. Để minh bạch hoạt động này, ông Dung đề xuất phải có quy định đăng thông tin về tài sản bán đấu giá trên báo chí.
“Hiện nay, nhiều trường hợp có đăng thông tin nhưng không rõ ràng, hoặc đăng ở những tờ báo rất ít người đọc. Cũng có tình trạng đăng xong rồi người dân đến hỏi thông tin thì lại được trả lời người phụ trách đi vắng, không cho xem hồ sơ. Họ lấy cách đó để đẩy khách hàng đi chỗ khác, nhường phần mua đấu giá cho “quân xanh quân đỏ”. Vì vậy mục tiêu của việc bán đấu giá với giá cao nhất đã không đạt được” - ông Dung nhận xét.
Đấu thầu lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, thời gian qua, việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu trên địa bàn TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hiện vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn cho phép các tổ chức tín dụng bán tài sản không thông qua các cơ quan tố tụng dù Nghị định về việc này đã ra đời hơn 4 năm. “Do đó, việc bán tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu trên địa bàn TP.HCM hiện tại vẫn thông qua tố tụng, từ khâu sơ thẩm, phúc thẩm đến thi hành án... Quá trình này mất rất nhiều thời gian, dẫn đến có nhiều tài sản hơn 10 năm vẫn chưa bán được” - đại diện Chi nhánh NHNN TP.HCM thông tin và nhận định, hiện việc xử lý nợ xấu, nợ cần thu hồi ngay của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn. Tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản sẽ khiến các ngân hàng bớt nhiều áp lực.
Liên quan đến lộ trình chuyển đổi tất cả các Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản sang mô hình doanh nghiệp vào tháng 12/2020, một số ý kiến cho rằng, tại một số địa phương, ngay cả Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản sử dụng ngân sách để hoạt động cũng cầm cự, thoi thóp thậm chí giải thể thì việc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Vì vậy, cần cân nhắc lại lộ trình này và coi dịch vụ bán đấu giá tài sản như dịch vụ công, phục vụ nhân dân hoàn toàn.