“Ngân hàng đất nông nghiệp” có chức năng trao đổi quyền sở hữu các thửa ruộng nằm cách xa nhau để các chủ đất có thể sở hữu một mảnh đất với diện tích lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Tình trạng khá phổ biến hiện nay tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… là nông dân bỏ hoang hóa đất nông nghiệp (NN), lên thành phố tìm việc làm, nhưng không chuyển nhượng, cho thuê đất vì có tâm lý giữ đất như “sổ bảo hiểm” để phòng thân.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Đất đai 2013, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất NN; doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Theo PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế thuộc Đại học Luật Hà Nội, điều này làm nảy sinh mâu thuẫn: đất NN của hộ gia đình, cá nhân bị bỏ hoang, lãng phí, trong khi các tổ chức kinh tế nói chung và DN có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng không thể tiếp cận đất để thực hiện các dự án NN công nghệ cao với quy mô lớn.
Chia sẻ một thực tế khác từ DN, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thai Binh Seed cho rằng, quy định về phân loại đất, hạn điền có nhiều bất cập. Ví dụ, sản xuất NN là gắn với chuỗi giá trị, đồng thời phải đảm bảo an toàn thực phẩm, nên cơ sở sản xuất không thể nằm trong các khu công nghiệp vì nguy cơ nhiễm kim loại nặng, bụi mịn…, không xuất khẩu được. Tuy nhiên, khi xây dựng nhà máy hay các công trình nghiên cứu, thực nghiệm, bảo quản, chế biến nông sản… trên khu đất NN mà DN được cấp phép, DN gặp rất nhiều khó khăn như không thể thế chấp tài sản để vay vốn, thậm chí có nguy cơ vi phạm pháp luật…
Ngoài ra, với quy định hạn điền tối đa là 3 ha, DN không thể tích tụ đất, sản xuất quy mô lớn.
Tại Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 4/10/2022, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thống nhất, thuận lợi trong quá trình thực hiện, thúc đẩy tiếp cận đất đai và động lực phát triển trong thời gian tới.
Hướng tới mục tiêu này, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cập nhật đến ngày 1/10/2022 đã bổ sung một số quy định mới.
Trong đó, bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất NN; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất NN của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất NN); bổ sung quy định được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất NN theo quy hoạch, phù hợp với quy định của pháp luật; bổ sung một điều riêng quy định về khu NN tập trung để nghiên cứu, thực nghiệm, bảo quản, chế biến và dịch vụ logistics cho nông - lâm - thủy - hải sản...
Đặc biệt, Ban soạn thảo bổ sung quy định về “ngân hàng đất NN” để thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất NN thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất NN; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất NN… “Ngân hàng đất NN” có chức năng trao đổi quyền sở hữu các thửa ruộng nằm cách xa nhau để các chủ đất chỉ sở hữu một mảnh đất với diện tích lớn; cho thuê lại đất được nhận ủy thác của người sở hữu đất NN; cung cấp các khoản vay ưu đãi cho những người muốn thuê và mua đất NN; hỗ trợ chủ sở hữu đất qua việc được miễn các loại thuế có liên quan, đảm bảo sự công bằng giữa nông dân có đất ủy thác và người thuê lại đất từ ngân hàng.
Bình luận về đề xuất “ngân hàng đất NN”, ông Báo kỳ vọng, đây có thể là một trong những giải pháp gỡ vướng cho quá trình tích tụ đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực NN. Tuy nhiên, tính khả thi và cách thức tổ chức thực hiện phương án này thế nào cho phù hợp là vấn đề Ban soạn thảo cần làm rõ hơn.
Mặc dù mô hình này đã thành công tại Nhật Bản, Đài Loan…, nhưng theo ông Tuấn, sẽ có nhiều thách thức khi thực hiện tại Việt Nam. “Làm thế nào để lấy đất của người có trao cho người cần, duy trì quan hệ ổn định, tránh lạm dụng việc gom đất của một số nhóm lợi ích? Ai là người đứng ở vai trò trung gian, cơ quan quản lý nhà nước hay khu vực tư nhân? Hoạt động của “ngân hàng đất NN” có chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng không? Để mở đường cho chế định này, cần thực hiện thí điểm theo từng bước”, ông Tuấn nhấn mạnh.