Đề xuất mới về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 27/2007/NĐ-CP (Nghị định 27) quy định chi tiết biện pháp thực hiện Luật Giao dịch điện tử năm 2005 trong hoạt động tài chính, tạo cơ sở pháp lý để ngành Tài chính triển khai các dịch vụ công trực tuyến, cải cách mạnh mẽ thủ tục tài chính, hành chính công, đồng thời thúc đẩy áp dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Nghị định 27 đã ban hành hơn 10 năm. Cho đến nay, phần lớn quy định của Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành.

Vì vậy, cần xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 27 và sửa đổi các văn bản liên quan để giải quyết tổng thể các vấn đề bất cập, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Nghị định thay thế Nghị định 27 nhằm khắc phục các hạn chế của Nghị định 27, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; giảm gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.

Bộ Tài chính cũng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực: Tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm (không bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); dịch vụ tài chính.

Dự thảo cũng đề xuất nhóm chính sách về cụ thể hóa và mở rộng điều kiện chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử. Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về chấp nhận giá trị pháp lý chứng từ điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về việc chuyển đổi chứng từ giấy sang chứng từ điện tử; bổ sung quy định về việc kiểm tra chứng từ, giao dịch điện tử bằng phương thức điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về việc hủy hiệu lực chứng từ điện tử…

Tin cùng chuyên mục