Trên 2.000 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, chất thải… phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính năm 2024 và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Tuấn Anh |
Kỳ vọng năm 2025 có thị trường giao dịch tín chỉ carbon
Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Tại nghị định này, Chính phủ đặt ra lộ trình năm 2025 sẽ thí điểm thị trường tín chỉ carbon trong nước, tiến tới vận hành chính thức từ 2028. Để hình thành nên thị trường tín chỉ carbon, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Tháng 10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp để hoàn thiện Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Phó Thủ tướng đánh giá, thị trường carbon hết sức tiềm năng trong thu hút vốn đầu tư và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thống nhất về cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật, xác định và phân bổ hạn ngạch carbon trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, Đề án xác định lộ trình thực hiện thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam trên tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện” để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Đề án ban hành là để thực hiện ngay, nhằm hình thành và vận hành nhuần nhuyễn sàn giao dịch carbon trong nước cả về pháp lý, con người, cơ chế chính sách; chưa thực hiện giao dịch quốc tế, trừ những hoạt động trao đổi tín chỉ carbon theo thỏa thuận quốc tế. Đề án là một bước tiến mới tại Việt Nam trong mục tiêu hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Tại một hội thảo mới đây, ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Giá một tín chỉ carbon dao động từ 1 - 2 USD, thậm chí hàng trăm USD. Giá trị của tín chỉ carbon phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: loại hình dự án tạo ra tín chỉ carbon; các tiêu chuẩn áp dụng để xác định tín chỉ carbon (như tiêu chuẩn Verra, Verified Carbon Standards (VCS), Gold Standards, hay American Carbon Registry); sự hiện diện của các lợi ích đi kèm (co-benefits); địa điểm giao dịch tín chỉ carbon. Theo ông Tuấn, để nước ta không nằm ngoài xu hướng quốc tế, việc hướng tới thị trường carbon tuân thủ và mở sàn giao dịch tín chỉ carbon là bắt buộc. Bên cạnh việc lập sàn giao dịch, cần triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Bên cạnh việc chỉ đạo xây dựng Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon, Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ 1/10/2024 cập nhật tên 2.166 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính năm 2024, đồng thời xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
Áp lực từ Chính phủ khiến vấn đề xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon trở thành mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Với khối doanh nghiệp niêm yết, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, năm 2024, số lượng các công ty đặt mục tiêu về phát thải khí nhà kính và báo cáo kế hoạch giảm phát thải tăng đáng kể so với năm 2023. Đặc biệt, có 2 doanh nghiệp là Công ty CP Sữa Việt Nam và Công ty CP Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu phát thải theo SBTi - giải pháp tối ưu cho cam kết net-zero của doanh nghiệp. Sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng sức ép hàng nghìn doanh nghiệp phải kiểm đếm, báo cáo phát thải nhà kính là 2 yếu tố thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon với kỳ vọng sàn mới sẽ vận hành sôi động, kết nối nhu cầu của 2 phía cung - cầu.
Việc xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu, nhất là các doanh nghiệp đứng đầu ngành. Ảnh: Phú An |
Chờ đợi sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Liên quan đến sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp, từ khi Chính phủ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và mỗi năm Việt Nam có hàng trăm nghìn doanh nghiệp thành lập mới, câu chuyện tạo sàn cho loại doanh nghiệp này gọi vốn đã được đặt ra. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, nhiều chuyên gia đã góp ý chính sách và đề xuất giải pháp lập sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng tất cả vẫn đang là ý tưởng. Với thực tế mỗi năm nước ta có 150.000 - 180.000 doanh nghiệp thành lập mới, rất cần vốn để triển khai ý tưởng kinh doanh, quyết tâm lập sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp nếu thành hiện thực sẽ đáp ứng nhu cầu của rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trẻ. Chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng mở ra một kỳ vọng mới về khả năng Việt Nam sớm có sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp, được tổ chức, quản lý trên nền tảng, hạ tầng sẵn có của thị trường chứng khoán (TTCK).
Trong bức tranh chung, Việt Nam đang có TTCK với quy mô tương đương 69,4% GDP ước tính năm 2023. Số lượng tài khoản đã đạt hơn 9,1 triệu, tương đương 9% dân số, vượt mục tiêu mà Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đề ra. Trong số trên 1.500 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch, có nhiều doanh nghiệp đầu ngành, trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp quy mô vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD. Bên cạnh các doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa, thị trường chứng khoán có nhiều doanh nghiệp thành danh, quy mô lớn như FPT, Vinhomes, Masan, SSI, PNJ… được khởi đầu từ nguồn vốn tư nhân, khởi nghiệp.
Dự Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 18/12/2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon thứ cấp, thị trường giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời với việc triển khai nhiều giải pháp khác như đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới, sắp xếp lại thị trường, phân bảng công ty niêm yết, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm 2025.