Ngân hàng giảm lãi suất cho vay bằng cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lãi suất cho vay đã ở mức thấp nhất trong 3 năm qua song cần tiếp tục giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trở lại, nợ xấu đang ở mức cao và dự báo tiếp tục tăng, đồng USD vẫn giữ giá cao trên thị trường, giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới là một bài toán hóc búa với các ngân hàng thương mại. Để cung ứng nguồn vốn tín dụng giá hợp lý, cần các giải pháp hài hòa giữa lợi ích và rủi ro, hạn chế tác động bất lợi với nền kinh tế.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 6,7 - 9,1%/năm, thấp nhất tính từ năm 2021 đến nay. Ảnh: Lê Tiên
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 6,7 - 9,1%/năm, thấp nhất tính từ năm 2021 đến nay. Ảnh: Lê Tiên

Chia sẻ về công tác điều hành lãi suất trong năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. NHNN cũng liên tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9,1%/năm, thấp nhất tính từ năm 2021. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Từ phía các NHTM, việc giảm lãi suất là nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Trước hết là lãi suất đầu vào đã tăng trở lại từ tháng 4/2024 đến nay đẩy chi phí kinh doanh của ngân hàng tăng. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống đã lên mức trên 4,55%, đẩy chi phí dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng tăng cao, đặc biệt, nếu quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ hết hiệu lực thì nợ xấu sẽ bộc lộ và chi phí dự phòng buộc phải tăng cao.

Tại Công điện số 135/CĐ-TTg mới đây về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các TCTD, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định pháp luật các TCTD cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay).

Trong khi đó, nhiều tổ chức nghiên cứu dự báo mặt bằng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong năm 2025. Tại báo cáo nghiên cứu triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 vừa công bố, Công ty CP Chứng khoán TPS cho rằng, áp lực tỷ giá USD/VND vẫn hiện hữu có thể đẩy mặt bằng lãi suất tăng lên. Đáng chú ý, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025, nhưng tình hình nguồn vốn đang được hút về các kênh đầu tư tại Mỹ như hiện tại có thể sẽ khiến chỉ số DXY- thước đo sức mạnh đồng USD không giảm đáng kể.

Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2024, lãi suất huy động dao động trong mức từ 5,2 - 6%/năm, nhưng đầu tháng 12, một số ngân hàng đã có động thái tăng nhẹ. Lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng cho đến cuối năm do nhu cầu tín dụng tăng trưởng mạnh hơn huy động vốn. Dự báo đầu năm 2025, lãi suất huy động sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ, với sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ dự kiến sẽ áp dụng mức lãi suất cao hơn để thu hút nguồn vốn từ khách hàng.

Về lãi suất cho vay, theo nhóm nghiên cứu của TPS, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng nhanh khi tăng trưởng tín dụng từ mức 5,7% tại thời điểm tháng 7 đã lên tới hơn 12% vào đầu tháng 12. Do đó, với lực cầu tín dụng tiếp tục tăng, nhiều khả năng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong 2025.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, rất khó để giảm lãi suất trong giai đoạn cao điểm về nhu cầu vốn cuối năm. “Nếu muốn giảm lãi suất ở thời điểm này thì có thể cơ quan điều hành cần bơm tiền vào thị trường, song phải đối diện với áp lực tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng”, ông Huân nói.

Trong năm 2025, theo ông Huân, việc Fed giảm lãi suất thời gian trước và dự kiến còn tiếp tục giảm lãi suất là yếu tố thuận lợi cho công tác điều hành lãi suất và tỷ giá của Việt Nam, song mức giảm lãi suất của Fed có thể không còn lớn như năm 2024 nên không hỗ trợ quá nhiều.

Lãi suất cho vay từ tháng 8/2021 đến tháng 10/2024
Lãi suất cho vay từ tháng 8/2021 đến tháng 10/2024

Trong khi đó, từ phía các NHTM, việc giảm lãi suất là nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Trước hết là lãi suất đầu vào đã tăng trở lại từ tháng 4/2024 đến nay đẩy chi phí kinh doanh của ngân hàng tăng. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống đã lên mức trên 4,55%, đẩy chi phí dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng tăng cao, đặc biệt, nếu quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ hết hiệu lực thì nợ xấu sẽ bộc lộ và chi phí dự phòng buộc phải tăng cao. Đến cuối quý III/2024, nhiều ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng rủi ro ở mức 30 - 40% so với cuối năm trước, thậm chí có một số ngân hàng ghi nhận mức tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, áp lực tỷ giá vẫn còn khiến lãi suất điều hành và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng khó giảm.

“Lãi suất cho vay trong thời gian tới có thể giảm ở một số ngân hàng có nguồn lực tài chính tốt và đã trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ tái cơ cấu ở mức cao. Đồng thời, các ngân hàng có thể phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận để giữ mặt bằng lãi suất cho vay đủ hấp dẫn với các lĩnh vực kinh doanh có tính sinh lời bền vững. Lãi suất cho vay ở mức thấp (nếu có) cũng chỉ nên tiếp tục dành cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu… và phải được kiểm soát chặt để tránh đổ vào các lĩnh vực rủi ro”, ông Huân nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục