![]() |
Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 36% so với cùng kỳ |
Tổng thu NSNN thực hiện tháng 3/2025 đạt 189,7 nghìn tỷ đồng, bằng 9,6% dự toán. Trong đó: Thu nội địa đạt 161,2 nghìn tỷ đồng, bằng 9,7% dự toán, bằng 98% số thu tháng 2; Thu từ dầu thô đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán, bằng 93,8% số thu tháng 2; Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 24 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2% dự toán, bằng 98,4% số thu tháng 2.
Tổng thu NSNN lũy kế 3 tháng: Đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, tăng 29,3% so cùng kỳ năm 2024 (thu NSTW đạt 35% dự toán; thu NSĐP đạt 38,4% dự toán).
Về thu nội địa, tổng thu Quý I đạt 646,3 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% dự toán, tăng 34,5% so cùng kỳ năm 2024. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu thuế, phí nội địa đạt 35,8% dự toán, tăng 21,1% so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính cho biết, kết quả thu nội địa quý I đạt khá so dự toán và tăng so cùng kỳ chủ yếu do kinh tế những tháng cuối năm 2024 tăng trưởng khá (GDP Quý IV tăng 7,55% so cùng kỳ năm 2024, cả năm tăng 7,09%), những tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; đồng thời, cơ quan Thuế đã tăng cường công tác quản lý thu, rà soát nguồn thu; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hoàn thuế; chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, đôn đốc thu nộp kịp thời vào NSNN, qua đó, tác động tích cực đến số thu NSNN;
Về tình hình thu từ 03 khu vực kinh tế (chiếm khoảng 49,3% dự toán thu nội địa) quý I đạt 317,1 nghìn tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán, tăng 20,4% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,2% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2024; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 45,1% dự toán, tăng 36% so cùng kỳ năm 2024; riêng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 28,9% dự toán, nhưng giảm 7,6% so cùng kỳ năm 2024.
Về số thu trên địa bàn, có 35/63 địa phương thực hiện thu nội địa Quý I đạt trên 30% dự toán ; 53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, một số địa phương có tiến độ thu đạt thấp, dưới 26% dự toán .
Thu từ dầu thô trong quý I đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, bằng 25% dự toán, giảm 15,3% so cùng kỳ năm 2024. Giá dầu thanh toán bình quân Quý I đạt khoảng 81 USD/thùng, bằng 84,7% so cùng kỳ; sản lượng dầu thô thanh toán đạt khoảng 2 triệu tấn, bằng 25,2% kế hoạch, bằng 93,4% so cùng kỳ năm 2024.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu trong Quý I đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, bằng 26,2% dự toán, xấp xỉ cùng kỳ năm 2024, trên cơ sở: tổng số thu thuế đạt 95 nghìn tỷ đồng, bằng 23,1% dự toán, tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2024; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 33,4 tỷ đồng, bằng 19% dự toán, tăng 17,6% so cùng kỳ năm 2024.
Về chi NSNN, tổng chi cân đối NSNN tháng 3 đạt 148,1 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi Quý I đạt 428,2 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% dự toán, tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2024, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt khoảng 78,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 29,5% dự toán; chi thường xuyên đạt 20,2% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong Quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đã chi từ dự phòng Ngân sách trung ương 903,5 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường (802,8 tỷ đồng); hỗ trợ các địa phương (100,7 tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.
Đã hỗ trợ thuế, phí, lệ phí khoảng 204 nghìn tỷ đồng
Trong Quý I/2025, trước bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu báo cáo Chính phủ triển khai các giải pháp hỗ trợ thuế, phí, lệ phí ngay từ đầu năm. Cụ thể, đã thực hiện giảm 2% thuế GTGT cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp thuế suất 10% trong 6 tháng đầu năm (giảm khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng); tiếp tục giảm thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn (giảm khoảng 44 nghìn tỷ đồng); điều chỉnh chính sách thuế XNK và kéo dài ưu đãi thuế cho công nghiệp hỗ trợ ô tô đến hết năm 2027. Ngoài ra duy trì giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% cho dịch vụ công trực tuyến đến hết 2025 và ban hành ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin (hỗ trợ 2,4 nghìn tỷ đồng). Đối với các giải pháp đã và đang triển khai, dự kiến tổng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân năm 2025 sẽ đạt khoảng 204 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức hỗ trợ năm 2024, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.