Dẹp mọi chướng ngại ngầm cho Việt Nam vững tiến

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 6 tháng đầu năm 2022 có 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật với các mức từ khiển trách đến khai trừ Đảng. Những con số này minh chứng cho tinh thần đấu tranh quyết liệt, không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Tại Đại hội XIII, Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Ảnh: Nguyễn Trí
Tại Đại hội XIII, Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Ảnh: Nguyễn Trí

Luôn không ngừng phấn đấu, vươn lên

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trở thành Đảng cầm quyền sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ khi trở thành Đảng cầm quyền đến nay, Đảng ta đã trải qua các thời kỳ cầm quyền, gắn liền với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước. Mỗi thời kỳ đặt ra những yêu cầu cụ thể về năng lực cầm quyền, nhưng Đảng ta luôn không ngừng phấn đấu vươn lên, xứng đáng là người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tổng kết 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trên con đường tương lai, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng những diễn biến kinh tế - chính trị xảy ra trên toàn cầu đang đặt ra những thời cơ và thách thức đan xen trên con đường phát triển của đất nước. Các thách thức mang tính toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; sự phát triển của xã hội thông tin và “thời đại dữ liệu lớn”, kinh tế tri thức đang và sẽ tạo nên một “thời đại thay đổi”, đòi hỏi năng lực học tập, đổi mới và sáng tạo trong công tác lãnh đạo của Đảng cũng như của các đảng viên. Trong khi đó, bên cạnh những thành tựu to lớn của đất nước, không thể phủ nhận một thực tế là chúng ta luôn đối mặt với nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong công tác Đảng, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" cũng như những mâu thuẫn xã hội vẫn diễn biến phức tạp… Đặt những vấn đề này bên cạnh những mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước được đưa ra tại Đại hội XIII (*) cho thấy, năng lực, vị thế cầm quyền của Đảng phải được củng cố, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, mới có thể thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang mà nhân dân và dân tộc giao phó.

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, tại Đại hội XIII, Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Tại Hội nghị toàn quốc các Cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo phải nâng cao vai trò, trách nhiệm các cơ quan nội chính, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào... Trong thực thi nhiệm vụ phải công tâm, khách quan, tuân thủ pháp luật, có dũng khí, có bản lĩnh, động cơ trong sáng, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết. Tổng Bí thư cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tập trung xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, nhân dân…

Từ góc độ lý luận cho thấy, tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng là giải pháp chính yếu góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng Đảng về tư tưởng không chỉ liên quan trực tiếp đến năng lực hoạch định đường lối của Đảng, mà còn liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, cũng như củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Dựa vào nhân dân

Theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng cần hướng đến mục tiêu Đảng “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”. Với quan điểm “nhân dân là trung tâm”, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh quan điểm “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” cũng như chủ trương “nghiên cứu, ban hành cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.

Để “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” đòi hỏi nhiều giải pháp, trong đó cần phải xây dựng, hoàn thiện sớm cơ chế nhân dân tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; nhân dân tham gia xây dựng Đảng về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, nhất là trong đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ, sử dụng cán bộ, luân chuyển cán bộ… Cần có cơ chế nhân dân đánh giá hiệu quả hoạt động, phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên, cũng như hình thức lấy ý kiến về mức độ hài lòng, tín nhiệm của nhân dân với cán bộ.

(*) Mục tiêu phát triển Đất nước tại Đại hội XIII:

“Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Cùng với đó, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển như vũ bão, Đảng cần tiên phong trong công cuộc “chuyển đổi số” nhằm xây dựng tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí hoạt động, phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường sự lãnh đạo và sức ảnh hưởng của Đảng đối với hệ thống chính trị và xã hội.

Thực hiện “chuyển đổi số” trong tổ chức Đảng có ý nghĩa về nhiều mặt, nhất là tạo nên sự minh bạch và những kết nối, liên thông giữa tổ chức Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; kết nối và tương tác giữa tổ chức Đảng với xã hội và các tầng lớp nhân dân. Chuyển đổi số là một giải pháp, một cơ hội không thể bỏ lỡ để gắn kết chặt chẽ sức mạnh từ nhân dân với Đảng, từ đó, tạo nên sức mạnh to lớn cho Đảng trong công cuộc phát triển đất nước cũng như đấu tranh chống tham nhũng trong bối cảnh mới.

Con số 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo tại các bộ, ngành bị kỷ luật Đảng, khai trừ khỏi Đảng trong 6 tháng đầu năm 2022 một lần nữa cho thấy, quyết tâm của Đảng trong việc loại bỏ những phần tử sâu mọt dù ở bất cứ cương vị nào. Đó là cuộc lột xác đau đớn, nhưng được nhân dân mong đợi. Chính quyết tâm ấy sẽ gắn kết niềm tin và hội tụ các nguồn lực trong nhân dân, thúc đẩy mọi tầng lớp ra sức sản xuất, kinh doanh, để góp công xây dựng một Việt Nam vững mạnh, hùng cường.

Tin cùng chuyên mục