![]() |
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của FECON |
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, hiện trong lĩnh vực xây dựng dân dụng có khoảng 1.000 doanh nghiệp trên thị trường, cùng với đòi hỏi không cao về công nghệ nên cạnh tranh rất khốc liệt. Từ năm 2025 trở đi, FECON sẽ thu hẹp mảng này để tập trung mảng công trình ngầm đô thị, đường sắt quốc gia, cảng biển để thực sự trở thành doanh nghiệp Top đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực cảng biển, FECON là đơn vị thi công toàn bộ hệ thống đường bãi, hạ tầng trên bờ và xử lý nền móng của Bến cảng số 5 và 6 tại khu bến Lạch Huyện (giá trị hơn 1.100 tỷ đồng) và đã hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư - Tập đoàn HATECO. "Nhờ công nghệ về giải quyết bài toán điều kiện địa chất và yêu cầu chịu lực của công trình mà đối tác chiến lược Raito Kogyo Co., Ltd. mang đến, FECON có lợi thế lớn ở các dự án cảng biển, đặc biệt là các dự án lớn. Công ty đang thi công Cảng Mỹ Thủy, Cảng Baria Serece tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…", ông Khoa cho biết.
Tại các công trình ngầm đô thị, FECON đã tham gia các dự án Metro line tại Hà Nội và TP.HCM với tư cách nhà thầu phụ ở hầu hết các hạng mục xây dựng ngầm như ga ngầm, thi công tường vây, thi công cọc móng, xử lý nền chống lún, chống thấm. Vừa qua, FECON là nhà thầu phụ đầu tiên trong nước chính thức vận hành máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) cho Dự án Metro line 3 Hà Nội, giúp rút ngắn thời gian thi công và giảm tác động đến môi trường và địa chất xung quanh.
Còn tại Dự án đường sắt quốc gia, FECON sẽ hướng đến dự án đầu tiên Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Với kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án đường sắt đô thị, ông Khoa chia sẻ thêm, FECON đang mở rộng lĩnh vực mới là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) có quy mô khoảng 20.000 tỷ đồng. Công ty cho biết đang nghiên cứu kinh nghiệm thành công ở Nhật Bản và Trung Quốc, nơi các nhà thầu làm đường sắt thường kèm theo là nhà đầu tư TOD, hay còn gọi là bất động sản ven ga. Đây là cũng là cơ chế mà Hà Nội và TP.HCM sẽ đẩy mạnh trong giai đoạn tới.
"FECON cùng với một đối tác của Trung Quốc đã có những trao đổi sâu rộng về việc triển khai dự án TOD. Công ty đang sàng lọc khoảng 3 dự án để đưa ra quyết định đầu tư cùng với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự án TOD sẽ là mảng FECON có ưu thế và được ưu tiên để nghiên cứu đầu tiên”, Chủ tịch FECON nhấn mạnh.
Trong quý I/2025, FECON đã ký mới khoảng 1.300 tỷ đồng hợp đồng thi công. Trong khi đó, giá trị hợp đồng chuyển tiếp trong năm 2024 sang năm 2025 của FECON khoảng 2.500 tỷ đồng, gồm: Dự án Cảng Mỹ Thủy, Dự án Khu công nghiệp Hạ Khánh, Dự án trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh, Dự án Hà Nội Metro 3…
Năm 2025, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng. Trong đó, các dự án bất động sản Square City (Thái Nguyên), Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái (Bắc Giang) sẽ đóng góp hơn 140 tỷ đồng lợi nhuận.