Đi chùa Trấn Quốc ngày xuân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu năm vãn cảnh chùa đã thành một thói quen, nét sinh hoạt văn hóa của người dân Việt Nam. Đó là dịp tìm đến không gian linh thiêng, là khoảnh khắc hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh, khiến lòng người thanh thản. Cũng từ đấy, mỗi người như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin và năng lượng để đón một năm mới, tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ cho cộng đồng, để tiếp tục yêu thương mọi người và được yêu thương...
Chùa Trấn Quốc như một tòa sen khổng lồ nở rộng giữa hồ nước trong xanh
Chùa Trấn Quốc như một tòa sen khổng lồ nở rộng giữa hồ nước trong xanh

Ở nhiều làng quê, ngôi chùa làng đã trở thành bàn thờ chung của tăng ni phật tử, đồng thời là ngôi nhà chung của cộng đồng dân cư trong những ngày Tết... Còn ở thành thị, những ngôi chùa cổ cũng mang ý nghĩa như thế và hơn nữa, đó còn là địa điểm du lịch tâm linh trong dịp Tết đến, xuân về. Những ngày này, khi hương xuân đã tràn ngập đất trời, nhiều người Hà Nội tìm đến chùa Trấn Quốc để lễ Phật đầu năm.

Chùa Trấn Quốc nằm trên hòn đảo duy nhất của hồ nước ngọt lớn nhất Hà Nội - hồ Tây, là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với hơn 1.500 năm tuổi.

Có thể nói, chùa Trấn Quốc gắn liền với những thăng trầm lịch sử của Hà Nội. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế (năm 541 - 547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi Khai Quốc, có nghĩa là “Mở nước”. Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434 - 1442), nhà vua đổi tên chùa là An Quốc. Hàng năm, nước sông Hồng lên to làm xói lở bãi sông, nên năm 1615 đời vua Lê Kính Tông, dân làng Yên Phụ dời chùa vào gò đất Kim Ngư (Cá Vàng) là địa điểm ngày nay. Đây từng là nơi các vua nhà Lý dựng cung Thúy Hoa và vua nhà Trần dựng điện Hàm Nguyên để nghỉ ngơi, thư giãn, hóng mát, xem đua thuyền... Đến đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1681 - 1705), chùa được đổi tên là Trấn Quốc. Bức hoành phi đề ba chữ “Trấn Quốc Tự” treo tại gian đại bái trong chùa hiện nay được làm từ thời đó. Đầu đời Nguyễn, chùa được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Trong một chuyến vi hành ra Thăng Long vào năm 1821, vua Minh Mạng đến viếng chùa và ban 20 lạng bạc để tu sửa. Đến năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn, 200 quan tiền và cho đổi tên thành chùa Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông vẫn được người dân quen gọi cho đến ngày nay.

Đi qua bao năm tháng thăng trầm của thế sự, chùa Trấn Quốc như một minh chứng hữu hình cho vẻ đẹp tín ngưỡng dân tộc, gìn giữ đầy đủ những nét đặc trưng trong văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, như một tòa sen khổng lồ nở rộng giữa hồ nước trong xanh, chùa Trấn Quốc không quá kiêu sa nhưng vẫn khoác trên mình một vẻ đẹp bình yên đầy hấp dẫn.

Nằm giữa khuôn viên chùa là Tiền đường được xây theo hướng Tây. Hai bên có dãy hành lang nối dài là Thượng điện và nhà Thiêu hương. Sân trước chùa có một cây bồ đề cao, xòe tán rộng tỏa bóng mát. Cây bồ đề này được chiết từ cây mẹ tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo cách đây 25 thế kỷ và được đích thân Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 1959 đem sang tặng riêng cho chùa Trấn Quốc. Đến nay, từ cây bồ đề này, nhà chùa đã chiết được hơn 300 cây bồ đề đem trồng ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, các nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia, các di tích lịch sử…

Một điểm khác biệt của chùa Trấn Quốc so với những ngôi chùa cổ khác ở Hà Nội là vườn tháp cổ độc đáo nằm ở phía sau chùa. Vườn tháp này có nhiều ngôi tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu, Cảnh Hưng vào thế kỷ XVIII và tòa Bảo Tháp Lục Độ Đài Sen mới được xây vào năm 1998 tạo nên điểm nhấn riêng biệt chỉ có ở chùa Trấn Quốc. Bảo Tháp Lục Độ Đài Sen cao 15 mét, có 11 tầng, mỗi tầng được bố trí 6 ô cửa, mỗi ô cửa có 1 tượng Phật A Di Đà được làm bằng đá quý. Đỉnh tháp có Cửu Phẩm Liên Hoa làm bằng đá quý màu trắng sáng lấp lánh, tựa như bông sen trắng đang nở tỏa ngát hương thơm.

Khi viếng thăm chùa Trấn Quốc, ta như được đi ngược về lịch sử, khám phá kho tàng Phật pháp đồ sộ với nhiều kỷ vật Phật giáo linh thiêng, mang giá trị lịch sử và văn hóa tín ngưỡng quý giá. Ngôi chùa cổ kính này hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị như bộ tượng thờ ở Thượng điện. Đây là những pho tượng được tạo tác tỉ mỉ, trau chuốt và mang nét đẹp đặc trưng riêng, trong đó quý nhất là pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam. Trong chùa hiện còn 14 tấm bia đá ghi lại nhiều tư liệu quý về lịch sử ngôi chùa và mô tả đầy đủ những lần tu bổ, tôn tạo chùa, đáng kể nhất là các tấm bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1588 - 1647) và tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825).

Chùa Trấn Quốc nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp cổ kính mà còn bởi không gian thoáng mát, tươi xanh tạo nên một tổng thể kiến trúc, lịch sử, văn hóa tín ngưỡng và thiên nhiên hoàn hảo. Đánh giá cao giá trị lịch sử, tôn giáo cũng như cảnh quan của ngôi chùa, Viện Viễn Đông Bác Cổ thời Pháp thuộc từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong toàn xứ Đông Dương. Tháng 4/1962, chùa Trấn Quốc được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Từ đó đến nay, chùa Trấn Quốc liên tục được vinh danh trên các tạp chí và các trang mạng uy tín trên thế giới. Năm 2016, Tạp chí Daily Mail của Anh đã bình chọn chùa Trấn Quốc là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Năm 2017, trang web chuyên về du lịch của Anh Wanderlust.co.uk xếp chùa Trấn Quốc ở vị trí thứ 3 trong số 10 ngôi chùa trên thế giới có cảnh đẹp “không thể tin được”. Năm 2019, chùa Trấn Quốc một lần nữa có mặt trong danh sách 10 ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất thế giới và “nên đến tham quan” - theo bình chọn của Tạp chí Mỹ National Geographic. Hàng năm, nơi đây không chỉ đón tiếp nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội.

Không quá lộng lẫy kiêu sa, cũng không quá hoa lệ màu sắc, vẻ đẹp chùa Trấn Quốc cổ kính, nhẹ nhàng mang một nét riêng khiến bất cứ ai có dịp đặt chân đến đây như lạc vào chốn thiền môn thanh tịnh. Ngoài cảm nhận được sự thư thái trong tâm hồn, du khách còn có dịp tìm hiểu văn hóa, tôn giáo, khám phá vẻ đẹp tinh hoa trong kiến trúc xưa của một ngôi chùa cổ hơn ngàn rưỡi năm tuổi.

Trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Hà Nội, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất ở chốn kinh kỳ. Vì vậy, đến chùa Trấn Quốc lễ Phật là việc không thể thiếu trong ngày đầu năm mới đối với nhiều người, nhiều gia đình. Đến với chùa Trấn Quốc, ngoài dâng hương lễ Phật cầu an, ta còn có dịp hiểu thêm về lịch sử dân tộc, thêm tự hào về một danh thắng đặc biệt của Thủ đô, của đất nước.

Tin cùng chuyên mục