Đi tìm nguyên nhân gói thầu chỉ có một nhà thầu tham dự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong mấy năm gần đây, trung bình số lượng nhà thầu tham dự 1 gói thầu có xu hướng giảm dần. Đặc biệt là trong lĩnh vực xây lắp và tư vấn, tình trạng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và trúng thầu diễn ra khá phổ biến. Nhận diện được nguyên nhân, đưa ra giải pháp nâng cao mức độ cạnh tranh, từ đó nâng cao hiệu quả đấu thầu là bài toán được đặt ra.
Khi thực hiện các gói thầu xây lắp, nhà thầu thường bị lỗ do giá dự toán vừa chặt vừa thấp, đơn giá vật liệu đầu vào như cát, đất, đá… tăng so với thời điểm dự thầu. Ảnh: Nhã Chi
Khi thực hiện các gói thầu xây lắp, nhà thầu thường bị lỗ do giá dự toán vừa chặt vừa thấp, đơn giá vật liệu đầu vào như cát, đất, đá… tăng so với thời điểm dự thầu. Ảnh: Nhã Chi

Ông Trần Ngọc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và Thương mại Đức Phú cho biết, tình trạng nhiều gói thầu được mời thầu rộng rãi nhưng chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu ngày càng phổ biến. Một nguyên nhân khiến nhà thầu không mặn mà là mấy năm nay, khi trúng thầu và thực hiện các gói thầu xây lắp, nhà thầu thường bị lỗ do giá dự toán vừa chặt vừa thấp, đơn giá vật liệu đầu vào như cát, đất, đá… tăng so với thời điểm dự thầu. Nhiều nhà thầu xây lắp phải bỏ hợp đồng giữa chừng hoặc làm xong thì cạn kiệt tài chính, không đủ sức đấu thầu các công trình tiếp theo. Ở lĩnh vực tư vấn, các gói thầu cũng có giá dự toán thấp, trong khi giá nhân công thực hiện tăng cao nên nhà thầu không mặn mà. Đó là chưa kể đến các gói thầu tư vấn giám sát thi công thường có hình thức hợp đồng trọn gói, không được điều chỉnh chi phí thực hiện trong khi thời gian thực hiện gói thầu bị kéo dài (do nhà thầu xây lắp thi công chậm tiến độ hoặc chậm bàn giao mặt bằng).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông La Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho rằng, việc cài cắm các tiêu chí gây khó khăn cho nhà thầu ở nhiều chủ đầu tư ngày càng tinh vi hơn nên khả năng trúng thầu của những nhà thầu “lạ” thường rất thấp. Mặt khác, việc lập dự toán hiện nay cũng thắt chặt hơn thời gian trước nên khi tính toán sơ bộ mà không có lãi hoặc lãi mỏng thì nhà thầu không mạnh dạn tham gia đấu thầu. Chưa kể đến tình trạng chủ đầu tư gây khó khăn khi nhà thầu triển khai thực hiện, hoặc quyết toán công trình khiến mức độ cạnh tranh tại các gói thầu xây lắp có xu hướng giảm.

Nhiều nhà thầu xây lắp lớn cho biết, để tham gia đấu thầu và trúng thầu ở những gói thầu xây lắp nghìn tỷ, nhà thầu đều phải tìm kiếm thông tin, nắm bắt cơ hội từ rất sớm, ngay từ lúc dự án được phê duyệt đầu tư, nghiên cứu và lựa chọn đối tác để tham gia cùng, phải dự phòng nguồn lực thực hiện từ con người, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… Điều này đòi hỏi cả quá trình chuẩn bị, chứ không thể chờ chủ đầu tư/bên mời thầu thông báo mời thầu mới bắt đầu chuẩn bị thì không thể làm kịp 1 bộ HSDT đồ sộ với chất lượng tốt.

Ngay trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa - lĩnh vực có tỷ lệ cạnh tranh trong đấu thầu cao nhất hiện nay thì số lượng nhà thầu tham gia 1 gói thầu cũng không cao. Ông Trần Hữu Quân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ngọc Diệp cho biết, trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa nội thất, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, một số khác gặp khó khăn, doanh thu tài chính không đủ đáp ứng điều kiện để tham gia đấu thầu (muốn tham gia đấu thầu thì doanh thu bình quân 3 năm gần nhất phải dương, tài chính phải lành mạnh và đáp ứng được một số tiêu chí nhất định tùy vào quy mô gói thầu tham gia). Hiện nay, nhiều nhà thầu đang đuối sức, nợ nần nên không thể tham gia đấu thầu tại các dự án đầu tư công.

Về câu chuyện này, chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhà thầu dè dặt tham gia đấu thầu có thể do thấy cơ hội trúng thầu thấp hoặc trúng thầu nhưng không có lợi nhuận, thậm chí là lỗ hoặc do các nguyên nhân khác chưa được nhận diện. Việc tỷ lệ cạnh tranh trong đấu thầu có xu hướng giảm là câu chuyện đáng quan tâm đối với những người làm công tác đấu thầu. Do đó, các cơ quan chức năng, các cấp quản lý cần có sự rà soát, tổng kết và phân tích kỹ lưỡng, tìm ra nguyên nhân thực chất của vấn đề để tìm giải pháp tháo gỡ, nâng cao chất lượng và tỷ lệ cạnh tranh trong đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục