Dịch nCoV hoành hành khiến các hãng hàng không bị liên lụy. Ảnh: Giang Đông |
Tính đến hết ngày 6/2/2020, Việt Nam đã ghi nhận 12 ca nhiễm nCoV. Mặc dù số ca nhiễm chưa cao và cũng chưa có trường hợp nào tử vong nhưng Chính phủ đã có những biện pháp tương đối mạnh nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, điển hình như: tạm dừng cấp visa cho khách du lịch từ Trung Quốc, tạm dừng các lễ hội, cho phép sinh viên, học sinh nghỉ học…
Báo cáo phân tích tác động của dịch nCoV từ Công ty CP Chứng khoán SSI và Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đều cho rằng, khu vực bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh là dịch vụ, điển hình là các ngành vận tải, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, các hoạt động giải trí.
Trong đó, việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc sẽ khiến dịch vụ sân bay liên quan đến hàng hóa, hành khách và các hãng hàng không chịu ảnh hưởng tiêu cực trước tiên.
Thông tin từ Báo Khánh Hòa điện tử cho biết, lúc cao điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch nCoV, mỗi ngày Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tiếp nhận khoảng 150 chuyến bay quốc tế đi và đến, trong đó 2/3 là các chuyến bay khai thác các đường bay giữa các thành phố của Trung Quốc và Cam Ranh. Từ ngày 28/1, khi các đoàn khách du lịch Trung Quốc tạm ngừng đến Khánh Hòa, số lượng chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh bắt đầu giảm mạnh. Đến ngày 1/2, các hãng hàng không ngừng khai thác đường bay kết nối giữa Cam Ranh với Trung Quốc, số lượng chuyến bay đến và đi từ cảng hàng không này càng giảm mạnh hơn.
Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của nCoV, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet đã ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 1/2/2020. Thông báo mới nhất của Vietnam Airlines cho biết, hãng tạm dừng đường bay giữa Hà Nội và Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 6/2.
Ngay sau các thông tin trên, từ sau Tết Nguyên đán đến ngày 6/2, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã giảm từ 32.800 đồng xuống còn 26.500 đồng (tương đương 19,2%), cổ phiếu VJC của VietJet đã giảm từ 146.500 đồng xuống 127.000 đồng (tương đương 13%).
Tương tự, cổ phiếu các doanh nghiệp dịch vụ hàng không khác như Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) giảm 8,5%, Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco giảm 10%.
Không chỉ các hãng bay bị ảnh hưởng, ngành du lịch cũng bị liên lụy khi du khách Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng hàng đầu trong lượng khách du lịch đến Việt Nam nhiều năm qua. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tỷ lệ khách Trung Quốc trong tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 khoảng 31,02%, con số này tăng lên 32% trong năm 2018 (tương đương 4,96 triệu lượt khách). Còn số liệu 9 tháng năm 2019 là 31%, tương đương 3,97 triệu lượt khách.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến doanh thu các dịch vụ liên quan suy giảm đáng kể. Đáng chú ý, đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.
Theo số liệu của BVSC, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Do vậy, các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn.