Điểm cộng môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, Chỉ số tính minh bạch trong cấu thành Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Bình tiếp tục được cải thiện, tăng thêm 5 bậc so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi là điểm cộng lớn của Quảng Bình trong thu hút đầu tư, tạo sức bật để hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quảng Bình thu hút được nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng. Ảnh: Võ Thanh Đức
Quảng Bình thu hút được nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng. Ảnh: Võ Thanh Đức

Hơn 5 tỷ USD cam kết “rót” vào Quảng Bình

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 29 nhà đầu tư/32 dự án và khu vực quan tâm đầu tư với tổng vốn đăng ký 112.165 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Trong đó, có 3 dự án lĩnh vực hạ tầng với tổng vốn 11.668 tỷ đồng; 5 dự án lĩnh vực thể thao - du lịch với tổng vốn 3.320 tỷ đồng; 6 dự án lĩnh vực công nghiệp - năng lượng - khoáng sản với tổng vốn 64.206 tỷ đồng; 1 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn 401 tỷ đồng; 17 khu vực nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn 32.570 tỷ đồng.

Trong số các dự án được trao biên bản ghi nhớ lần này, lớn nhất là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 50.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, khoáng sản cũng thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, Tổng công ty Cơ điện xây dựng dự kiến đầu tư 3 dự án, tổng vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Riêng dự án khai thác điện mặt trời trên mặt kênh, hồ thủy lợi có vốn đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng.

Liên danh Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long - Tập đoàn Iwantani (Nhật Bản) dự kiến đầu tư Nhà máy Chế biến sâu xỉ titan Hoàng Long Iwantani tại Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La, vốn đầu tư 3.546 tỷ đồng. Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa dự kiến xây dựng giai đoạn II Nhà máy Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy, vốn đầu tư 650 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng loạt dự án khu đô thị, bất động sản với quy mô hàng nghìn tỷ đồng mỗi dự án cũng nhận được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Trong đó, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng - Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ dự kiến đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bố Trạch, quy mô 860 ha, vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh quan tâm Dự án Khu đô thị tại TP. Đồng Hới, quy mô 45 ha, vốn đầu tư dự kiến 2.700 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn C.E.O quan tâm Dự án Khu đô thị tại huyện Quảng Ninh, diện tích 250 ha, vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng...

Đánh giá cao cam kết của các nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng khẳng định, Quảng Bình đã và đang nỗ lực thay đổi toàn diện, căn bản môi trường đầu tư, bảo đảm để nhà đầu tư, doanh nghiệp “đến là làm”, đầu tư đúng lộ trình, hiệu quả, tạo việc làm và sự phát triển ổn định.

Sức bật từ cải cách môi trường kinh doanh

Để có sự thay đổi tích cực, mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, Quảng Bình đã áp dụng chính phủ điện tử trong đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế, đảm bảo nhanh gọn, chính xác và hiệu quả. Tỉnh cũng thành lập bộ phận tiếp nhận kiến nghị để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trung tâm hành chính công của Tỉnh giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn theo cơ chế một cửa liên thông (OSS). Thành lập và vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), việc theo dõi tiến độ các thủ tục hành chính và tổng hợp các phản ánh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Năm 2022, Chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Quảng Bình xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tăng 32 bậc, xếp hạng 28/63.

Theo kết quả PCI năm 2022, Quảng Bình đạt 63,41 điểm, xếp hạng 48/63, tăng 9 bậc so với năm 2021, trong đó có 4 chỉ số thành phần đã có sự thay đổi theo hướng tích cực so với năm 2021. Đơn cử, Chỉ số gia nhập thị trường tăng 32 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 17/63), Chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng 39 bậc (xếp thứ 24/63), Chỉ số đào tạo lao động xếp thứ 22/63, tăng 13 bậc. Đặc biệt, Chỉ số tính minh bạch của Quảng Bình luôn ở mức cao, năm 2022 tăng thêm 5 bậc so với năm 2021, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành. Chỉ số minh bạch cao là một điểm cộng, một lợi thế lớn trong đánh giá của các nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Bình.

Năm 2022, Chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Quảng Bình xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tăng 32 bậc, xếp hạng 28/63.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, điều tra thực tế cho thấy, 65% nhà đầu tư đánh giá môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng khi lựa chọn đầu tư vào các tỉnh, thành. Việc Chỉ số thành phần tính minh bạch trong PCI của Quảng Bình luôn xếp vị trí top đầu tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Một số chỉ tiêu phản ánh tính minh bạch như: “tiếp cận tài liệu quy hoạch” liên tục được cải thiện qua các năm từ 2,5 điểm năm 2018 lên 3,04 điểm năm 2022 (thang điểm 5), chỉ tiêu “tiếp cận tài liệu pháp lý” cũng tương tự như vậy.

Ông Hiếu đánh giá, Chỉ số thành phần tính năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương trong PCI của Quảng Bình cũng liên tục được cải thiện qua các năm. Năm 2022, 73% doanh nghiệp tại Quảng Bình đánh giá “UBND Tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”, 78% doanh nghiệp cho biết “UBND Tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”. Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Quảng Bình cũng thể hiện qua một số chỉ tiêu như “cán bộ nhà nước thân thiện”, “thủ tục giấy tờ đơn giản”, “phí, lệ phí được công khai”… liên tục tăng trong giai đoạn 2019 - 2022. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhận thấy cán bộ thanh, kiểm tra lợi dụng thực thi công vụ nhũng nhiễu doanh nghiệp từ mức 23% năm 2017 giảm xuống còn 8% năm 2022.

Với phương châm “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”, UBND tỉnh Quảng Bình xác định tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ, tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Quảng Bình cam kết sát cánh, đồng hành với nhà đầu tư, làm cầu nối tích cực, hiệu quả, sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực của Tỉnh để biến ý tưởng thành hiện thực, cùng Quảng Bình hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin cùng chuyên mục