“Điểm mặt” nguyên nhân chậm tiến độ công trình giao thông

(BĐT) - Các công trình giao thông chậm tiến độ không phải câu chuyện mới, mà đã được nhắc đến rất nhiều lần, gây bức xúc dư luận. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế khiến các dự án lớn chậm triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2019, qua đó tìm cách giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
7 dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải đang triển khai tiếp tục bị chậm tiến độ. Ảnh: Song Lê
7 dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải đang triển khai tiếp tục bị chậm tiến độ. Ảnh: Song Lê

Chậm giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án lớn như: Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, Dự án Hầm Hải Vân 2; Dự án Bến Lức - Long Thành; Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận… Một số dự án khi có mặt bằng thì vào mùa mưa, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và kế hoạch giải ngân; nhiều dự án sát cuối năm 2019 mới hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công nên chậm triển khai thực hiện theo cam kết, kéo dài thời gian hoàn thành sang đầu năm 2020.

Bộ GTVT cho biết, năm 2019 vẫn còn tình trạng chậm khởi công, hoàn thành tại một số dự án. Cụ thể, 7 dự án trọng điểm ngành GTVT đang triển khai tiếp tục bị chậm tiến độ trong năm 2019, trong đó có 3 dự án do Bộ GTVT quản lý, 1 dự án do TP. Hà Nội quản lý, 1 dự án do tỉnh Tiền Giang quản lý và 2 dự án do TP.HCM quản lý.

Bên cạnh đó, trong danh mục dự án ngành giao thông dự kiến khởi công, hoàn thành trong năm 2019, có 4 dự án chậm khởi công, 6 dự án chậm hoàn thành phải chuyển kế hoạch sang năm 2020. Nguyên nhân chậm khởi công công trình cầu Bến Nước, Suối Cóc trên đường Hồ Chí Minh qua Tuyên Quang; cụm công trình kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ là do chưa bố trí được nguồn vốn và thủ tục điều chỉnh dự án, khoản vay. Công trình cầu Mỹ Thuận 2 chậm khởi công là do thiết kế cầu dây văng phức tạp nên thời gian thiết kế kéo dài. Dự án đường sắt 3 tuyến phía Bắc và khu vực đầu mối Hà Nội giai đoạn 2 chậm khởi công vì đang báo cáo Chính phủ dừng thực hiện.

Đối với 6 công trình chậm hoàn thành, Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân công trình cầu Thịnh Long chậm đưa vào sử dụng là do thời gian xử lý đất yếu kéo dài; tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk chậm vì thiếu vốn do phải bổ sung mặt bằng và xử lý kỹ thuật; tuyến tránh TP. Kon Tum chậm do hết thời gian thực hiện dự án; công trình Quốc lộ 20 nút giao Dầu Giây chậm do nhà đầu tư yếu kém; còn Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi chậm do vướng giải phóng mặt bằng.

Riêng đối với Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mặc dù Dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng do các vướng mắc liên quan đến hoàn thiện chứng nhận an toàn khai thác hệ thống, đảm bảo điều kiện để bàn giao đưa vào khai thác của Tổng thầu nên công tác vận hành thương mại bị chậm trễ.

Bộ GTVT cũng chỉ ra, tiến độ giải ngân chậm là một nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai và hoàn thành công trình giao thông. Công tác giải ngân chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần được rà soát, khắc phục triệt để trong thời gian tới nhằm đảm bảo tiến độ công trình thực hiện theo đúng kế hoạch.

Để khắc phục các tồn tại này, trong năm 2020, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đôn đốc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án GTVT, đặc biệt là các công trình trọng điểm của ngành; đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư dự án; tập trung chỉ đạo bám sát tiến độ thực hiện các công trình/dự án; kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng công trình.

Về mặt thể chế, Bộ sẽ xây dựng kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành; tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là ban quản lý dự án; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số quy định, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.