Điều chỉnh giá điện bán lẻ theo cơ chế thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó, đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền quyết định tăng hoặc giảm giá điện ở mức dưới 5%; đồng thời rút ngắn thời gian điều chỉnh từ 6 tháng xuống 3 tháng. Nhiều ý kiến kỳ vọng đề xuất trên sẽ được chấp thuận để giá điện dần điều chỉnh theo cơ chế thị trường, tạo động lực thu hút đầu tư vào ngành điện.
Thời gian điều chỉnh giá điện dự kiến sẽ giảm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng để phù hợp hơn với bối cảnh thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Thời gian điều chỉnh giá điện dự kiến sẽ giảm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng để phù hợp hơn với bối cảnh thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (QĐ 24) là thẩm quyền điều chỉnh giá điện của EVN được nới rộng hơn. Cụ thể, theo đề xuất, EVN được tự quyết định việc giảm hoặc tăng ở mức dưới 5%; Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh, tăng từ 5% đến dưới 10%; Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến để EVN quyết định điều chỉnh khi tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Đây là điểm mới so với quy định hiện hành, do QĐ 24 chỉ cho EVN thẩm quyền tăng giá ở mức từ 3% đến 5%. Các mức tăng giá khác do các cấp trên quyết định và điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, ở cơ chế đề xuất, sau khi các cấp (gồm Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ) quyết định tăng giá, thẩm quyền điều chỉnh sẽ giao về cho EVN thực hiện.

Về thời gian điều chỉnh giá điện, Dự thảo đề xuất, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá hiện hành là 6 tháng xuống còn 3 tháng. Theo Bộ Công Thương, quy định này sẽ thúc đẩy việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.

Tán thành với đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, đây là đề xuất hợp lý và cần thiết. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Long nhận định, điện là hàng hóa đặc biệt có tính chất đặc thù, được Nhà nước quy định giá. Tuy nhiên, khi giá đầu vào tăng hoặc giá đầu vào giảm mà chúng ta không điều chỉnh kịp thời thì đều bất cập, không phản ánh được giá thị trường.

Cũng theo TS. Ngô Trí Long, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, căng thẳng quân sự Nga - Ukraine… đã khiến tình hình giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu tăng cao, tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, trong đó có sản xuất điện. Giá đầu vào tăng cao (giá nhiên liệu tăng, tỷ giá…) khiến EVN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và 2023. Việc thua lỗ của EVN có một phần nguyên nhân từ chu kỳ điều chỉnh giá điện theo QĐ 24 khá dài (6 tháng/lần), chưa phản ánh hết biến động của thị trường tới “sức khỏe” của EVN cũng như các doanh nghiệp trong ngành.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thì cho rằng, nếu Chính phủ chấp thuận việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ truyền đi tín hiệu rằng, giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có lên, có xuống, để doanh nghiệp và người dân không tâm tư, giảm thiểu lạm phát kỳ vọng khi giá điện biến động.

Đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện nếu được Chính phủ chấp thuận sẽ giúp câu chuyện đầu tư vào ngành điện “có thêm sức hấp dẫn”. Ảnh: Tiên Giang

Đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện nếu được Chính phủ chấp thuận sẽ giúp câu chuyện đầu tư vào ngành điện “có thêm sức hấp dẫn”. Ảnh: Tiên Giang

TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia tư vấn năng lượng, nguyên Trưởng ban Chiến lược thuộc Tập đoàn Công nghiệp, Than - Khoáng sản Việt Nam nhận định, đề xuất của Bộ Công Thương là hợp lý, bởi về nguyên tắc, những gì liên quan đến điều chỉnh mà chu kỳ điều chỉnh hay thời gian điều chỉnh càng ngắn thì mức độ chính xác càng cao. Với giá điện, chu kỳ điều chỉnh rút ngắn sẽ giúp giá thực tế khách quan hơn, chính xác hơn. “Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là điều chỉnh giá dựa trên yếu tố gì…”, ông Sơn lưu ý.

Về phía các doanh nghiệp trong ngành, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận, Giám đốc Công ty Phong Điện Thuận Bình chia sẻ, hai trong những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư tư ngoài nhà nước vào ngành điện tại Việt Nam là giá điện còn thấp và chưa theo sát giá thị trường. Theo đó, ông Thịnh cho rằng, đề xuất của Bộ Công thương nếu được Chính phủ chấp thuận sẽ giúp câu chuyện đầu tư vào ngành điện “có thêm sức hấp dẫn”.

Trước đó, thông tin tại Hội nghị thực hiện kế hoạch năm 2023 và triển khai kế năm năm 2024 được EVN tổ chức tháng 1/2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, năm 2023, mặc dù EVN và các đơn vị đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như tiết kiệm chi phí, cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh và giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần (tăng 3% từ ngày 4/5/2023; tăng 4,5% từ ngày 9/11/2023), nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện. EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, năm 2023, EVN lỗ 24.500 tỷ đồng; năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỷ đồng.

Thực tế, giá nhiên liệu năm 2023 giảm so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước cộng với việc tăng huy động điện các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện… là những nguyên nhân chính dẫn đến EVN bị lỗ nặng. Theo một số chuyên gia, nếu giá điện bán lẻ được điều chỉnh sát với thị trường hơn, EVN có cơ hội giảm lỗ và các doanh nghiệp trong ngành cũng có cơ hội được ghi nhận hiệu quả thực chất hơn.

Tin cùng chuyên mục