Tập đoàn Cao su Việt Nam để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý tài chính. |
Theo nguồn tin của PV, báo cáo của Thanh tra Chính phủ mới đây cho biết, liên quan tới vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái trong việc đầu tư góp vốn và cho Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thuỷ sản Đồng Tháp vay vốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành xác minh trước khi Thanh tra chính phủ có kết luận thanh tra và chuyển hồ sơ sang Bộ Công an.
Thu thập chứng cứ, điều tra mở rộng
Ngày 9/2/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác lập chuyên án 234D về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết quả chuyên án xác định, năm 2007, ông Lê Quang Thung, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đã bàn bạc với một số cá nhân là cán bộ trong VRG thành lập Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thuỷ sản Đồng Tháp kinh doanh trong lĩnh vực thuỷ sản không thuộc lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn, không báo cáo Hội đồng quản trị.
Sau đó, ông Lê Quang Thung đã chỉ đạo 6 công ty thuộc VRG góp 87,5 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thuỷ sản Đồng Tháp, trong đó 5 công ty không lập phương án đầu tư trình Hội đồng quản trị Tập đoàn phê duyệt, trái quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác theo Nghị định số 199 của Chính phủ.
Do Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Đồng Tháp kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động nên 5 đơn vị (Tổng công ty Cao su Đồng N’ai, Công ty Cao su Phú Riềng, Công ty Cao su Chư Pah, Công ty Tài chính Cao su và Công ty Cổ phần xây dựng và địa ốc Cao su) chưa thu hồi được số vốn góp 79,494 tỷ đồng. Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa thu hồi được số tiền cho vay 21,28 tỷ đồng.
Ngày 6/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án và Quyết định khởi tố 5 bị can về tội Cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng theo điều 65 Bộ Luật hình sự.
5 bị can bao gồm: ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam; Nguyễn Thành Châu - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh - nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng; Hoàng Văn Sơn - Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng.
"Hiện Cơ quan Cảnh tra điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, khẩn trương thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ và điều tra mở rộng vụ án”, Thanh tra Chính phủ cho biết.
Một thời hoàng kim nhưng "hạ cánh không an toàn"
Ông Lê Quang Thung được bổ nhiệm chức quyền Chủ tịch Hội đồng quan trị Tập đoàn Cao su vào tháng 3/2010. Khi đó, ông Thung thay thế cho vị trí của ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Trước khi làm quyền chủ tịch tập đoàn cao su, ông Lê Quang Thung là Tổng giám đốc tập đoàn này. Giữ trọng trách đứng đầu Tập đoàn Cao su chỉ hơn 1 năm, ông Lê Quang Thung nghỉ hưu từ 1/1/2012.
Đáng nói là thời kỳ ông Thung làm tổng giám đốc rồi chủ tịch Tập đoàn Cao su cũng là thời hoàng kim của ngành này khi giá cao su lên cao kỷ lục, diện tích trồng được mở rộng rất lớn ra cả nước, sang cả Lào và Campuchia. Điều đó khiến cho Tập đoàn Cao su dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng lại rất nhiều tiền nên đổ sang nhiều lĩnh vực tài chính, bất động sản, ngân hàng,...
Sau khi nghỉ hưu, ông Lê Quang Thung đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị độc lập ngân hàng SHB từ ngày 5/5/2012.
Trước đó, thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tháng 12/2014 (giai đoạn 2006-2011) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc góp vốn cá nhân vào Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp của một số lãnh đạo VRG.
Công ty này được cấp giấy phép kinh doanh lần đầu năm 2007 với 169 tỷ đồng vốn điều lệ, do Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Phú Riềng và một số lãnh đạo VRG đồng sáng lập. Riêng một số lãnh đạo VRG góp hơn 102 tỷ đồng (chiếm 71%) tổng số vốn thực tế. Nhiều đơn vị cũng dùng quỹ phúc lợi của Công ty để tham gia đầu tư, góp vốn.
Từ khi thành lập năm 2007 đến thời điểm thanh tra, Công ty hoạt động không hiệu quả, liên tục thua lỗ do đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn cho cá không đúng thời điểm, hàng bán không thu được tiền ngay. Chỉ có năm 2009 lãi 4,7 tỷ đồng, còn từ năm 2010 đến 31/12/2012, Công ty lỗ lũy kế hơn 201 tỷ đồng.
Mặc dù hoạt động kinh doanh liên tục lỗ trong nhiều năm liền, nhưng nhiều đơn vị vẫn tiếp tục cho Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp vay ngắn hạn với mục đích chủ yếu vào việc hỗ trợ vốn lưu động bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp, bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý.