Định vị tổ hợp tác trong nền kinh tế

(BĐT) - Tổ hợp tác (THT) là hình thức phổ biến của kinh tế tập thể (KTTT) bên cạnh hợp tác xã, đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 1,1 triệu lao động. 
Phần lớn tổ hợp tác gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng. Ảnh: Linh Phát
Phần lớn tổ hợp tác gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng. Ảnh: Linh Phát

Trong bối cảnh đa số hộ sản xuất kinh doanh của nước ta có quy mô nhỏ, kém phát triển thì hình thức liên kết, hợp tác sản xuất ở quy mô nhỏ và vừa như THT là đặc biệt hữu hiệu đối với nông dân, nhà sản xuất nhỏ.

Còn nhiều khó khăn

Kết quả tổng hợp báo cáo của 50/63 tỉnh, thành phố về tình hình phát triển THT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiến hành năm 2017 cho thấy, hiện cả nước có 78.306 THT (ước tính con số thực tế khoảng 98.600 THT), trong đó có 36.104  THT có chứng thực (chiếm khoảng 46,1%), 2.930 THT đã ngừng hoạt động (chiếm 3,7%) và 191 THT đã chuyển sang hình thức khác (doanh nghiệp, hợp tác xã), chiếm 0,2%. Khu vực THT thu hút 1,28 triệu thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1,1 triệu lao động, doanh thu bình quân của một THT năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 35 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong THT là 26 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ, trình độ khoa học và công nghệ, vốn và thị trường còn hạn chế nên phần lớn THT gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng, tiếp cận các quy định pháp luật. Trên thực tế, nhiều THT hoạt động không thường xuyên, chỉ mang tính mùa vụ, tự phát, thiếu hướng dẫn, tư vấn của chính quyền cơ sở; tổ chức của THT thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác lỏng lẻo, không bảo đảm tính ổn định, bền vững.

Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia, trong tình hình quy mô kinh tế hộ sản xuất kinh doanh của nước ta còn nhỏ, kém phát triển thì hình thức liên kết, hợp tác sản xuất ở quy mô THT, hợp tác xã sẽ rất hiệu quả. Việc liên kết, hỗ trợ giữa các hộ nông dân, nhà sản xuất nhỏ sẽ giúp sử dụng nguồn lực tối ưu nhất, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. 

Cần xác lập vị trí pháp lý cho tổ hợp tác

Theo báo cáo của các địa phương, thời gian qua, khu vực THT đã bước đầu khẳng định được vai trò, lợi ích và tầm quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định tình hình an ninh, chính trị trong cộng đồng... Các nghiên cứu và thực tế trên thế giới cũng chỉ ra rằng, nếu tạo được môi trường phát triển thuận lợi với các can thiệp chính sách đúng hướng, thông qua các tổ chức nông dân và hợp tác liên kết (THT, hợp tác xã), người dân sẽ phát huy tiếng nói và hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tự nhiên và xã hội, từ đó được hưởng lợi ích và chia sẻ rủi ro một cách công bằng hơn, đóng góp cho sự phát triển bền vững chung.

Theo Bộ KH&ĐT, có một bất cập hiện nay là theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì THT không phải là chủ thể của giao dịch dân sự; thành viên có thể đại diện cho THT nếu được các thành viên khác ủy quyền bằng văn bản… Bất cập  này đã và đang làm mờ nhạt vai trò của THT và gần như làm mất địa vị của THT trong đời sống người dân. Trong khi đó, Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 đã khẳng định kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Bộ Chính trị cũng khẳng định: “Phát triển KTTT là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là sự nghiệp hết sức khó khăn, đòi hỏi phải kiên trì, xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, địa phương”.

Như vậy, để THT ngày càng phát huy vai trò liên kết, hợp tác hỗ trợ thành viên cả về mặt kinh tế và phi kinh tế thì cần tạo khung pháp luật minh bạch, công bằng cho THT thành lập và hoạt động, qua đó xác lập vị trí pháp lý vững chắc cho THT. Bộ KH&ĐT cho rằng, thời gian tới cần phải xây dựng các quy định điều chỉnh về THT cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; khắc phục những hạn chế về khung pháp luật hiện hành đối với việc thành lập và hoạt động của THT cũng như tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho THT thành lập, hoạt động và phát triển; bảo đảm quyền, nghĩa vụ của THT, thành viên THT và các bên thứ ba tham gia vào hợp đồng dân sự với THT.

Tin cùng chuyên mục