DN giảm mạnh lợi nhuận sau kiểm toán, vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại báo cáo tài chính (BCTC) sau kiểm toán năm 2023, nhiều doanh nghiệp (DN) ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh, trong đó có DN chuyển từ lãi thành lỗ, có DN tăng lỗ thêm từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng. Thực tế này cho thấy độ tin cậy chưa cao trong BCTC tự lập của nhiều DN, nhất là tại nhóm DN có tình hình kinh doanh, “sức khỏe” tài chính có nhiều khó khăn.
Sau kiểm toán, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 988 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Sau kiểm toán, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 988 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là một trong số những đơn vị ghi nhận mức chêch lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán lớn nhất trong mùa công bố BCTC kiểm toán 2023. Cụ thể, cuối tháng 1/2024, Ngân hàng báo lãi trước thuế 5.227 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại BCTC được kiểm toán công bố vào cuối tháng 3/2024, con số này chỉ còn 4.139 tỷ đồng, giảm 988 tỷ đồng.

Lý giải về chênh lệch này, lãnh đạo OCB cho biết, nguyên nhân là do Ngân hàng đã chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng, đồng thời điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu tiền từ khách hàng trong năm 2023 hoạch toán sang quý I/2024. Với kết quả này, thay vì phục hồi mức tăng trưởng lợi nhuận như kết quả tại BCTC tự lập, OCB trải qua năm sụt giảm lợi nhuận thứ hai liên tiếp và chỉ hoàn thành 69% kế hoạch cả năm.

Việc lợi nhuận sau kiểm toán sụt giảm tới gần 1.000 tỷ đồng là thông tin không vui với cổ đông của OCB, nhưng với quy mô lợi nhuận lớn, mức giảm chỉ khoảng 25% lợi nhuận thực tế. Trong khi đó, với nhiều DN khác, mức thay đổi lợi nhuận sau kiểm toán có ảnh hưởng lớn hơn nhiều.

Tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm tới 93,3% sau kiểm toán, từ 247,7 tỷ đồng trong BCTC tự lập xuống còn 16,5 tỷ đồng tại BCTC kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu là do khoản lãi từ giao dịch “mua rẻ” được thực hiện trong năm 2023 đã bị loại trừ do “việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tự lập, và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ Tập đoàn”. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh khác cũng có thay đổi nhưng không lớn.

Trước đó vào tháng 2/2023, Tập đoàn Lộc Trời tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty CP Lương thực Lộc Nhân lên 49% và ghi nhận một khoản lãi được xác định tạm thời dựa trên giá trị sổ sách của tài sản thuần Lộc Nhân tại ngày mua. Như vậy, đến báo cáo kiểm toán, khoản lãi từ chênh lệch này đã bị loại trừ.

Với Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, tình hình bi quan hơn khi lợi nhuận sau thuế chuyển từ 3,9 tỷ đồng trước kiểm toán thành lỗ 144 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân là do phải ghi nhận thêm 72 tỷ đồng chi phí thuế và lãi chậm nộp, ghi nhận thêm 27,5 tỷ đồng chi phí đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu phát triển vật liệu mới của dự án tại Bàu Bàng và trích lập thêm 16,7 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi.

Trong bối cảnh Gỗ Trường Thành đang lỗ lũy kế lớn kéo dài, khoản lỗ tăng thêm sau kiểm toán đã khiến vốn chủ sở hữu của Công ty giảm xuống còn 267 tỷ đồng. Cơ cấu tài chính tiếp tục mất cân đối với quy mô nợ phải trả gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu.

Giống như Gỗ Trường Thành, một số DN chuyển từ lãi thành lỗ còn có Công ty CP Vạn Phát Hưng, Công ty CP Miền Đông, Công ty CP Tập đoàn dầu khí An Pha, Công ty CP CIC 19…

Một số DN khác ghi nhận lỗ sau thuế tăng thêm hàng trăm tỷ đồng sau kiểm toán như: Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer (tăng lỗ 681 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (tăng lỗ 478 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư LDG (tăng lỗ 153 tỷ đồng), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (tăng lỗ 123 tỷ đồng)…

Đa số các DN trong nhóm lợi nhuận “bốc hơi” sau kiểm toán có tình hình kinh doanh, “sức khỏe” tài chính gặp nhiều khó khăn. Khoản mục bị điều chỉnh lớn, kéo giảm lợi nhuận của DN tập trung khá nhiều vào việc đơn vị kiểm toán yêu cầu DN phải trích lập thêm dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản công nợ (như Nova Consumer, Đức Long Gia Lai, Xây dựng Hòa Bình, Gỗ Trường Thành…). Một số DN bị yêu cầu tăng trích lập dự phòng giá đối với hàng tồn kho. Một số khoản thu nhập DN đã hạch toán nhưng đơn vị kiểm toán cho rằng chưa đủ điều kiện ghi nhận.

Một số trường hợp do sai sót trong nhập và đối soát số liệu, hoặc một số đến từ những sự kiện phát sinh sau ngày DN kết thúc niên độ kế toán cũng gây ảnh hưởng đến số liệu của kỳ kế toán trước đó do nguyên tắc thận trọng của kế toán.

Mới đây, Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam xin gia hạn thời gian công bố BCTC kiểm toán năm 2023 tới ngày 10/5/2024 do “còn một số vướng mắc cần làm rõ với đơn vị kiểm toán”. Trước đó, Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam là 1 trong 13 doanh nghiệp bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nhắc nhở chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023.

BCTC là một trong những tài liệu quan trọng được ngân hàng và các DN sử dụng làm căn cứ đánh giá về tình hình tài chính, kinh doanh của đối tác. Bởi vậy, việc phát sinh chênh lệch giữa số liệu của BCTC tự lập và kiểm toán, nhất là có chênh lệch giảm, có ảnh hưởng đến niềm tin vào sự trung thực, chuyên nghiệp của các DN. Khi niềm tin suy giảm, DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong giao kết đối tác, huy động vốn từ ngân hàng hay các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục