DN Việt chưa coi trọng quyền sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Sở hữu trí tuệ (SHTT) là tài sản vô hình - yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển cũng như giá trị của doanh nghiệp (DN). Vì vậy, DN Việt Nam cần phải nắm lấy nó để gia tăng thêm sức mạnh.

Một số tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam bị mất tại nước ngoài như cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… Ảnh: Lê Tiên
Một số tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam bị mất tại nước ngoài như cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… Ảnh: Lê Tiên

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh thông điệp này tại Lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Lâm, nghiên cứu của các hãng định giá thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cho thấy, vào năm 1975, giá trị của tài sản vô hình chỉ đóng góp 17% giá trị DN, nhưng 40 năm sau đã chiếm tới 86% giá trị DN. Đặc biệt, đối với những DN thuộc top 10 trên thế giới, giá trị của tài sản vô hình tăng lên 92% giá trị của DN. Đây là sức mạnh vô hình của DN. Nếu DN biết phát triển tài sản trí tuệ thì giá trị của DN càng lớn.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét, nhiều DN Việt Nam chưa chú trọng đến việc bảo vệ quyền SHTT, không có sự chủ động thực hiện việc đăng ký SHTT: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… Theo ông Lâm, hiện chưa nhiều DN biết nắm lấy sức mạnh của quyền SHTT để nắm vị thế độc quyền, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn cản các hành vi xâm phạm về SHTT.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số luật sư cho rằng, bảo hộ quyền SHTT ngày càng trở nên quan trọng. Ở nước ta, khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thức của DN về quyền SHTT có tăng lên, nhưng DN vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ các quyền liên quan đến SHTT. Thậm chí có những DN thờ ơ dẫn đến phải nhận những bài học đắt giá. Điển hình như câu chuyện một số tài sản trí tuệ của DN Việt Nam bị mất tại nước ngoài do có cá nhân, tổ chức khác đăng ký trước như cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, võng xếp Duy Lợi…

Trong số các DN đăng ký tham gia xét chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020, vẫn còn không ít DN chưa chú trọng đến các đối tượng khác của quyền SHTT, có văn bằng bảo hộ nhưng không cung cấp, có sáng kiến nhưng không đăng ký.

Ngay trong số các DN đăng ký tham gia xét chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020, vẫn còn không ít DN chưa chú trọng đến các đối tượng khác của quyền SHTT, có văn bằng bảo hộ nhưng không cung cấp, có sáng kiến nhưng không đăng ký. Mặc dù có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài nhưng DN không cung cấp bằng chứng trong hồ sơ đăng ký… “Đáng lý DN được điểm cao hơn, nhưng lại không có những bằng chứng, thông tin về quyền SHTT của sản phẩm nên không được công nhận sản phẩm đạt thương hiệu hiệu quốc gia”, ông Lâm nói.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng, nhất là tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những quy định về SHTT chặt chẽ, các chuyên gia về SHTT và giới luật sư cho rằng, vai trò của việc bảo vệ quyền SHTT đối với DN càng trở nên quan trọng.

Bên cạnh việc bảo vệ quyền SHTT, chuyên gia về SHTT thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị DN cố gắng khai thác sức mạnh của SHTT để áp dụng vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi theo chuyên gia, hiện lượng hồ sơ đăng ký SHTT tại Việt Nam rất ít so với tổng số quyền SHTT có ở nước ngoài. Vì thế, việc khai thác các sáng chế không đăng ký tại Việt Nam hoặc sáng chế đã hết hiệu lực tại Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, đem lại những sản phẩm tốt cho thị trường.

Tin cùng chuyên mục