Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đạt 63,5 tỷ USD - mức kỷ lục từ trước đến nay |
210.000 tỷ đồng bơm ròng ra thị trường trong 6 tháng
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, 6 tháng đầu năm, thanh khoản hệ thống TCTD tương đối dồi dào do được hỗ trợ từ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng 210.000 tỷ đồng ra thị trường từ đầu năm đến nay.
Theo NFSC, vốn huy động tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,8%). Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 4,01% trong quý I/2018, thì đến ngày 20/6 đạt 7,96%, cao hơn so với mức tăng 6,89% của cùng kỳ năm 2018.
CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, việc M2 tăng trưởng cao hơn cùng kỳ chủ yếu đến từ động thái bơm tiền đồng để mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối 6 tháng đầu năm, hiện đã đạt mức kỷ lục 63,5 tỷ USD.
Theo BVSC, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định đang ngày một gia tăng trên thế giới. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng riêng trong quý II/2018 chậm lại so với quý I với mức tăng chỉ 2,85%. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%).
Việc M2 tăng nhanh hơn tín dụng giúp cho thanh khoản hệ thống dồi dào trong phần lớn thời gian 2 quý đầu năm. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có thời điểm đã xuống mức thấp, dưới 1%/năm.
Tuy nhiên, lạm phát 6 tháng đầu năm với mức tăng đột biến từ tháng 6 đến nay bắt nguồn từ chi phí đẩy, đó là sự tăng giá mạnh của xăng dầu tới gần 14% góp phần đưa lạm phát tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 2,22% so với cuối năm 2017.
Trong khi đó, áp lực giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ và NHNN đang đè nặng ngành ngân hàng, bởi thực tế chi phí đầu vào vẫn cao. Thêm vào đó, động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa qua và kế hoạch còn tăng tiếp 2-3 lần trong năm nay sẽ khó tránh gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.
Lãi suất cho vay khó giảm mạnh
Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian tới là rất thấp, do lãi suất đầu vào khó giảm mạnh. Trên thực tế, xu hướng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục gia tăng, nhất là ở những ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ.
Thực tế cũng cho thấy, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng thương mại Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2-2,4%/năm, trong khi Trung Quốc khoảng 3%/năm, Philippines và Indonesia khoảng 2,8-3%/năm.
Trong khi đó, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao. Đánh giá được đưa ra từ một chuyên gia kinh tế, nếu kỳ vọng lãi suất giảm xuống mức 3,8-4%/năm, hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, tức người dân không gửi tiền nữa, mà sẽ đem tiền đi mua vàng, USD, hoặc đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản.
Trong bối cảnh cung tiền gửi tăng nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng, thanh khoản hệ thống được đảm bảo, các ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn để tiết giảm chi phí, trong khi giữ ổn định lãi suất ở các kỳ hạn dài ngày.
Thực tế, các ngân hàng đang đứng trức áp lực tăng lãi suất đầu vào khi buộc phải cơ cấu lại nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 06/2017/TT-NHNN, trong khi các kênh đầu tư khác cũng tăng.
Chẳng hạn, mức lãi suất cao nhất được niêm yết tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) hiện là 8,5%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, kỳ hạn từ 6-12 tháng dao động từ 6,5-8,1%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), mức lãi suất huy động 6 tháng là 7,6%/năm và 13 tháng là 8,1%/năm.
Không chỉ các nhà băng quy mô nhỏ phải cạnh tranh gay gắt trong huy động mới điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn dài, mà hầu hết ngân hàng đang duy trì mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài hấp dẫn hơn so với kỳ hạn ngắn, với kỳ vọng hút được vốn người dân, doanh nghiệp để cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy định của NHNN, nhất là với ngân hàng đã cho vay bất động sản nhiều.
Bởi tín dụng bất động sản chủ yếu là thời hạn dài, trong khi vốn huy động ngắn ngày chiếm phần lớn trong tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng hiện nay.