Doanh nghiệp bất động sản chật vật cầm cự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đứng trước vô vàn khó khăn, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) dành ưu tiên cho việc xử lý nợ, bán dự án, chuyển nhượng cổ phần, phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ…, nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất.
Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường bất động sản mà còn kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan Ảnh: Tường Lâm
Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường bất động sản mà còn kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan Ảnh: Tường Lâm

Ưu tiên xử lý nợ nần

Tính đến ngày 31/3/2023, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đã giảm 9.000 tỷ đồng nợ vay so với thời điểm 30/9/2022 và dư nợ trái phiếu bán lẻ còn lại của năm 2023 chỉ hơn 6.000 tỷ đồng. Việc thương lượng để được giãn, hoãn, bán tài sản giảm nợ, chuyển nợ thành cổ phần, thành tài sản đã giúp DN này dần lấy lại thăng bằng. Đến nay, Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn khẳng định, hoạt động kinh doanh của Novaland sẽ phục hồi trong quý III/2023.

Trong quý II, các dự án The Grand Manhattan (Quận 1, TP.HCM), Victoria Village (TP. Thủ Đức), NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City đã được tái khởi động với sự “bơm vốn” của TPBank, MBBank… Hiện, Novaland tiếp tục rà soát và thoái vốn các quỹ đất chưa được ưu tiên phát triển để giảm nợ, đồng thời thương lượng, đàm phán thu xếp vốn cổ đông cho các dự án phát triển trong thời gian tới. Quan điểm nhất quán là các dự án sắp hoàn thiện, có khả năng thanh khoản cao sẽ được Tập đoàn ưu tiên hoàn thành sớm.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt tổ chức ngày 30/6/2023, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay, lúc khó khăn nhất, ông đã chấp nhận bán tài sản cá nhân 300 tỷ đồng với giá 200 tỷ đồng để có được dòng tiền hỗ trợ Công ty. Hiện tổng nợ vay của Phát Đạt đã được đưa về mức 4.440 tỷ đồng, thay cho con số 5.265 tỷ đồng vào cuối quý III/2022. Tại thời điểm 31/3/2023, Phát Đạt còn gần 1.400 tỷ đồng nợ trái phiếu. Sắp tới, Công ty sẽ chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp để trả nợ trái phiếu. Tiền thu được từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến 1.300 tỷ đồng, sẽ dành để phát triển 4 dự án ở Bình Dương, Bình Định, Khu dân cư Bắc Hà Thanh, Dự án Phước Hải. Chậm nhất đầu năm sau, Phát Đạt sẽ trả dứt điểm các khoản nợ ngắn hạn.

Ngày 28/6/2023, Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) bất thành do không đủ tỷ lệ tham dự theo quy định. Cổ phiếu từng làm mưa làm gió trong năm 2021 giờ không còn được nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân mặn mà. Trong năm 2022, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 1.908,73 tỷ đồng, giảm 25,7% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 144,39 tỷ đồng, giảm 84,8%.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp nhận định, năm 2023, tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, cho nên ưu tiên của Công ty vẫn là xử lý nợ trái phiếu. Mới đây, HĐQT DIC Corp đã thông qua việc mua lại trước hạn toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô IGH2124001. Nguồn thực hiện được lấy từ nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu khác. Trước đó, vào ngày 10/11/2022, Công ty cũng đã tiến hành mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu thuộc 2 lô DIGH2124002 và DIGH2123003.

Bài toán duy trì hoạt động

Trong tâm bão của cuộc khủng hoảng, nhiều DN BĐS đã bán dự án, chuyển nhượng cổ phần, liên doanh liên kết, phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, giãn hoặc hoãn nợ, thanh toán trước kỳ hạn các khoản trái phiếu, cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô để tự cứu mình bằng mọi cách có thể, nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất. Mặc dù từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ đã tạo ra những “chiếc phao” để cứu thị trường BĐS và DN, nhưng chúng vẫn chưa đến được với DN nhiều như kỳ vọng.

Số liệu do Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) thống kê mới đây làm dấy lên nhiều lo ngại: Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 DN BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng DN BĐS thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 DN. Trong quý I/2023, doanh thu của các DN BĐS giảm 6,46% so với cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận sau thuế giảm tới 38,6%. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do DN không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai.

VARS ví DN BĐS như “người sắp chết đuối”, dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố để giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức ngoi lên. Nếu tình hình thị trường tiếp tục diễn biến khó khăn thì theo VARS, sẽ có tới 23% DN chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023, 43% DN trụ được đến hết năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường BĐS mà còn kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản “ra đi” của hàng loạt đối tượng, từ DN đầu tư, phát triển BĐS đến DN kinh doanh dịch vụ BĐS và môi giới BĐS. Hậu quả này sẽ trở thành vấn nạn cho cả nền kinh tế.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong tháng 7 này sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, phía thị trường tín dụng có “bơm” được tiền qua thị trường này hay không mới là vấn đề quan trọng.

Vẫn theo ông Châu, để tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS, Ngân hàng Nhà nước không nên coi nhà đầu tư là đối tượng có nguy cơ trở thành nhà đầu cơ và lĩnh vực BĐS là lĩnh vực đầy rủi ro rồi hạn chế cho khách hàng lẫn DN vay. Ngân hàng Nhà nước không nên giữ nguyên tiêu chuẩn tín dụng, cần cởi mở hơn. Khi giải quyết được bài toán bán hàng, DN sẽ giải quyết được dòng tiền, và khi có dòng tiền thì thị trường sẽ tăng tính thanh khoản trở lại.

Tin cùng chuyên mục