Doanh nghiệp cao su kỳ vọng cải thiện hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau giai đoạn giao dịch ở mức thấp, việc giá cao su phục hồi từ đầu quý IV/2023 tới nay đang được kỳ vọng sẽ giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su tốt hơn trong năm 2024.
Triển vọng phục hồi sản lượng tiêu thụ và giá bán là cơ sở để các doanh nghiệp cao su kỳ vọng lạc quan hơn trong năm 2024. Ảnh: Song Lê
Triển vọng phục hồi sản lượng tiêu thụ và giá bán là cơ sở để các doanh nghiệp cao su kỳ vọng lạc quan hơn trong năm 2024. Ảnh: Song Lê

Đi qua năm 2023 khó khăn...

Kết thúc năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) ước đạt 445.000 tấn cao su khai thác, tăng 3,5% so với năm 2022 và vượt 4,7% kế hoạch; sản lượng tiêu thụ cao su các loại đạt 520.290 tấn, tăng 3,8% và vượt 2,4% kế hoạch. Tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 24.485 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 4.015 tỷ đồng, mặc dù cùng vượt hơn 1% kế hoạch đề ra nhưng lại giảm mạnh so với kết quả thực hiện trong năm 2022. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới duy trì ở mức thấp trong năm 2022, ảnh hưởng đáng kể đến giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, ước tính xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,04% về lượng và 12,7% về giá trị so với năm 2022; giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7%. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam, phục hồi yếu hơn so với dự báo là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán cao su đều ở mức thấp.

Doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh mủ cao su sụt giảm do giá bán thấp cũng là tình hình chung tại Công ty CP Cao su Phước Hòa, Công ty CP Cao su Đồng Phú, Công ty CP Cao su Tây Ninh, Công ty CP Cao su Đắk Lắk… Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành còn bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm các khoản thu nhập khác như: thanh lý vườn cây, giảm nguồn tiền bồi thường đất hay việc triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực khu công nghiệp chưa đạt tiến độ như kỳ vọng.

Tại Công ty CP Cao su Phước Hòa, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Công ty thu về 607,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này có đóng góp đáng kể từ khoản lợi nhuận khác 276,4 tỷ đồng, chiếm 45,5%. Trong đó, có 200 tỷ đồng thu nhập đến từ khoản tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mà Công ty được nhận khi chuyển giao đất thực hiện Dự án Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore III (VSIP III) tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, Công ty còn ghi nhận 69 tỷ đồng thu nhập từ thanh lý gỗ 285,14 ha vườn cây cao su hết tuổi khai thác.

Tại Công ty CP Cao su Đồng Phú, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 27,2% và 28,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do mảng cao su tự nhiên gặp khó khăn về giá bán và sản lượng tiêu thụ. Thu nhập từ hoạt động thanh lý cây cao su trong 9 tháng năm 2023 giảm mạnh do diện tích thanh lý giảm một nửa so với năm 2022.

Công ty kỳ vọng ghi nhận khoản tiền bồi thường thu hồi đất cao su thực hiện Dự án Khu dân cư Tiến Hưng 1 và Tiến Hưng 2 từ UBND tỉnh Bình Phước với số tiền khoảng 118 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn làm chậm tiến độ các dự án và cũng làm chậm quá trình nhận tiền bồi thường của Công ty.

Kỳ vọng giá cao su phục hồi

Theo dữ liệu từ Trading Economic, giá hợp đồng tương lai cao su tự nhiên trên Sàn Giao dịch hàng hóa Tokyo tăng 3,3% trong tuần cuối cùng của năm 2023, kéo theo mức tăng trong tháng 12/2023 lên gần 9%, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2022. Tại thị trường trong nước, số liệu của Agromonitor cho thấy, giá bán các sản phẩm mủ cao su ghi nhận đà tăng mạnh trong thời gian từ tháng 9 tới tháng 11/2023. Biến động tăng giá trên thị trường thế giới là cơ sở để duy trì đà tăng của giá bán các sản phẩm mủ cao su trong nước.

Theo giới phân tích, giá cao su hồi phục từ đầu quý IV/2023 do những kỳ vọng lạc quan về sự phục hồi nhu cầu cao su toàn cầu, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn được dự báo cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Đồng thời, lo ngại về thời tiết bất lợi tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung cao su toàn cầu. Riêng với Trung Quốc, triển vọng phục hồi kinh tế trong năm 2024 được dự báo tích cực hơn nhờ các chính sách kích thích kinh tế “mạnh tay”, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su.

Triển vọng phục hồi sản lượng tiêu thụ và giá bán là cơ sở để các doanh nghiệp cao su đặt kế hoạch lạc quan hơn trong năm 2024. VRG đưa ra kế hoạch sơ bộ năm 2024 với chỉ tiêu doanh thu và thu nhập khác 24.999 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng, đều tăng hơn 2% so với kết quả của năm 2023.

Bên cạnh hiệu quả kinh doanh của mảng cao su hồi phục, nhiều doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng ghi nhận đóng góp tích cực hơn từ các mảng kinh doanh khác như: đầu tư, khai thác KCN; thanh lý vườn cây cao su.

Tại Cao su Phước Hòa, các dự án KCN mà Công ty chuyển giao đất trong giai đoạn 2020 - 2022 gồm KCN Nam Tân Uyên 3 (quy mô 345 ha) và VSIP III (691 ha) dự kiến được đưa vào khai thác từ năm 2024. Hai dự án này được kỳ vọng sẽ có tốc độ lấp đầy nhanh chóng do nhu cầu đất KCN ở Bình Dương còn lớn, trong khi nguồn cung hạn chế những năm gần đây. Cao su Phước Hòa hiện đang sở hữu 32,85% vốn tại Công ty CP KCN Nam Tân Uyên, đơn vị thực hiện Dự án KCN Nam Tân Uyên 3. Tại KCN VSIP III, Công ty sẽ được nhận 20% lợi nhuận từ Dự án.

Với Cao su Đồng Phú, bên cạnh kỳ vọng sớm ghi nhận phần tiền bồi thường đất từ 2 dự án chuyển giao đất xây dựng khu dân cư, Công ty đang sở hữu 2 dự án mở rộng KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú. Với vị trí thuận lợi, liền kề 2 KCN hiện hữu đều đã có tỷ lệ lấp đầy cao, các dự án mở rộng được đánh giá có triển vọng đóng góp tốt vào kết quả kinh doanh cho Công ty khi đưa vào khai thác.

Trong khi đó, giá gỗ cao su duy trì ở mức cao từ đầu năm 2023 đến nay đang tạo cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong việc thanh lý vườn cây già cỗi để trồng mới - hoạt động thường niên của doanh nghiệp cao su.

Tin cùng chuyên mục