63,21% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có nghe nói nhưng không hiểu biết sâu về các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh: Lê Tiên |
DN thiếu thông tin, thiếu khả năng huy động nguồn lực
Kết quả khảo sát về nhận thức và khả năng thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại của các DN cho thấy, có tới 15,09% DN không biết một chút gì, 63,21% DN có nghe nói nhưng không hiểu biết sâu; 19,81% đã từng tìm hiểu sơ bộ và chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ. Bên cạnh đó, có tới 41% số DN được khảo sát cho biết không thể đáp ứng được các yêu cầu để đi kiện phòng vệ thương mại.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), điều này cho thấy mức độ hiểu biết của DN Việt Nam về phòng vệ thương mại còn khá hạn chế và rất ít DN Việt Nam sử dụng công cụ này trong tự vệ và phòng vệ thương mại ngay tại thị trường trong nước chứ chưa nói đến thị trường xuất khẩu. Bà Trang cho rằng, đây là điều đáng lo ngại bởi sự thiếu nhận thức và nắm bắt không đầy đủ, thiếu khả năng thực hiện các công cụ phòng vệ thương mại sẽ khiến các DN Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt khi quá trình hội nhập đang ngày càng sâu rộng.
Thừa nhận những hạn chế trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cho rằng, nhiều DN còn hạn chế trong việc nhận thức về sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Song, bên cạnh đó, có một yếu tố khác chi phối rất lớn đến khả năng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của DN. Đó là do tâm lý lo lắng chi phí thuê mướn luật sư và các chi phí liên quan đến kiện tụng rất đắt đỏ, hơn nữa dính dáng đến việc kiện cáo thường rất phức tạp, thậm chí có thể ảnh hưởng, làm đình đốn sản xuất kinh doanh, và nhất là khả năng thua kiện thường cao nên bản thân các DN Việt Nam ngay từ đầu đã rất ngại không muốn va chạm, khởi xướng kiện tụng.
“Van an toàn” trong hội nhập
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra - Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, song phần lớn các DN Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại ngay tại thị trường trong nước.
Số liệu bà Giang dẫn chứng cho thấy, trong giai đoạn 1995 - 2015, các quốc gia thành viên WTO tiến hành một số lượng khổng lồ các vụ việc điều tra và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại với 311 vụ áp dụng biện pháp tự vệ, 4757 vụ điều tra chống bán phá giá và 380 vụ chống trợ cấp. Trong khi đó, sau hơn 10 năm ban hành khung pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam mới tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống bán phá giá. Con số tương quan so sánh này cho thấy Việt Nam đã sử dụng rất ít các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, công cụ phòng vệ thương mại được coi như van an toàn cuối cùng trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng hiện nay. Các biện pháp về thuế quan, hành chính hay hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ… đến nay đều chưa hẳn phù hợp với Việt Nam vì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các DN và cơ quan quản lý cần nâng cao nhận thức, nắm bắt đầy đủ để có thể sử dụng một cách hữu hiệu các công cụ này nhằm bảo vệ chính DN và nền sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.