DN có vốn FDI được đánh giá là tích cực phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để đấu tranh chống hàng giả, trong khi nhiều DN trong nước chưa chú trọng điều này. Ảnh: Giang Hương |
Có thể thấy, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đang là một trong những mặt trận cam go, khốc liệt nhất. Điều đáng quan ngại là chính DN bị tổn thương do gian lận thương mại và buôn lậu lại đang gần như đứng ngoài cuộc.
Liên tục xử lý và khởi tố
Từ ngày 16/12/2015 đến 15/12/2016, toàn lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.489 vụ việc vi phạm, giảm 21,52% so với năm trước. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 416 tỷ đồng, giảm 9,94%; thu ngân sách đạt hơn 171 tỷ đồng, giảm 23,25%. Cơ quan hải quan khởi tố 48 vụ, tăng 41,18%; đề nghị các cơ quan khác khởi tố 112 vụ, tăng 19,15%. Có 104 quyết định tịch thu hàng vô chủ do không xác định được chủ sở hữu đã được ban hành. Có 192/208 container hàng hóa vi phạm và 20 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đạt chất lượng... đã bị xử lý.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, toàn ngành đã phá thành công nhiều vụ án buôn lậu có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Điển hình nhất là chuyên án XD116 về hoạt động buôn lậu xăng dầu của Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú tại Bình Thuận, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 202 tỷ đồng. Hải quan cũng đã phá thành công chuyên án NB2016, bắt giữ 238 kg ngà voi và 248 kg vảy tê tê do hãng hàng không Turkish Airline vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ về Việt Nam, sau đó chuyển tiếp qua nước khác...
Kết quả cho thấy, số vụ khởi tố trong năm 2016 tăng gấp nhiều lần so với năm 2015. Trong đó, các đơn vị đã đấu tranh hiệu quả là: Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố 18 vụ; Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 09 vụ, tăng 50%; Cục Hải quan Tây Ninh khởi tố 06 vụ, tăng 20%; Cục Hải quan TP.HCM khởi tố 08 vụ, gấp 2 lần, chuyển cơ quan khác khởi tố 37 vụ, gấp 37 lần so với năm 2015...
Trong khi đó, theo ngành công thương, tính đến tháng 12/2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện hơn 120.000 lượt kiểm tra, xử lý hơn 64.000 vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2015; xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tăng gần 21%.
Doanh nghiệp cần chủ động vào cuộc
“Tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra hết sức phức tạp và tinh vi. Các DN cần phối hợp chủ động hơn, tích cực hơn với các đơn vị thực thi công vụ chống hàng giả, hàng nhái để xây dựng thương hiệu của chính DN. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái sẽ không có hiệu quả cao, không thể đi đến tận gốc nếu thiếu sự tham gia, phối hợp chủ động của DN”, ông Bảo nhận định.
Trong khi đó, từ góc độ của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay, nhiều DN chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ thương hiệu, hình ảnh. “Thậm chí, có DN chân chính còn tỏ tâm lý e ngại hàng giả. Chúng ta ghi nhận sự tích cực vào cuộc phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong đấu tranh chống hàng giả từ đội ngũ DN có vốn FDI. Có thể kể đến các DN như Honda, Unilever, Vedan… Trong khi đó, các DN Việt Nam vẫn đa số đang đứng ngoài cuộc cuộc chiến dai dẳng này. “Chúng ta vừa yếu trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đội ngũ phụ trách pháp lý chống hàng giả, vừa coi việc phối hợp phát hiện, đấu tranh chống hàng giả chỉ là trách nhiệm của cơ quan công vụ nhà nước. Đó là lý do tại sao, thương hiệu mới nổi của các DN Việt Nam thường dễ bị tổn thương hơn khi bị làm giả, làm nhái rất nhiều so với các đối tác cùng thị trường”, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận xét.
Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đều cho rằng, để DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại, cần có thay đổi cơ bản trong cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu của DN. Chỉ khi DN Việt thực sự đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, đặt uy tín và hình ảnh của mình làm trọng tâm, chắc chắn DN sẽ tích cực hơn trong phối hợp với cơ quan chức năng trong cuộc chiến dai dẳng này.