Các FTA sẽ tạo lập sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng
Tại Hội thảo “Việt Nam nắm bắt cơ hội các FTA thế hệ mới” do Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức ngày 15/6 tại Hà Nội, đại diện cho cộng đồng DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các DN Việt Nam đã sẵn sàng hơn trước các FTA mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Phân tích cho nhận định này, bà Trang thông tin: “Kết quả khảo sát mới đây về tác động của TTP và EVFTA đối với DN do VCCI thực hiện cho thấy, các DN Việt Nam đang lạc quan một cách tỉnh táo về tác động của các FTA mới. Hiện tỷ lệ DN biết về TPP và EVFTA đã tăng cao, trong đó tỷ lệ DN biết tương đối/biết rõ đang tăng lên nhanh chóng. Đồng thời, các DN cũng đã có những hành động đầu tiên thông qua công tác chuẩn bị”. Dẫn số liệu từ kết quả điều tra, bà Trang cho biết, hiện có 88% DN trả lời đang có kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian 3 năm tới. Những khía cạnh chủ chốt mà các DN sẽ tập trung cải thiện là chất lượng sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ và tiếp cận các thị trường mới từ TPP và EVFTA.
Tuy nhiên, theo bà Trang, dù lạc quan trước các tác động của FTA nhưng các DN cũng nhận thức rằng vẫn còn nhiều yếu tố cản trở DN tận dụng cơ hội từ TPP, EVFTA. Thêm vào đó, một số yếu tố cản DN cải thiện năng lực sản xuất còn hiện hữu, chưa được giải quyết như: tình trạng nhũng nhiễu, chất lượng kết cấu hạ tầng hạn chế… Hơn nữa, các cam kết lại không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị; hướng dẫn còn quá ít ỏi nên dường như các DN chưa đủ sẵn sàng đón nhận TPP và EVFTA.
Môi trường kinh doanh không “gồ ghề”
Đồng quan điểm này, ông Chunlin Zhang, chuyên gia trưởng của WB chia sẻ, tạo lập một “sân chơi” bình đẳng cho DN là yếu tố then chốt cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một sân chơi bình đẳng đồng nghĩa với sự trung tính về cạnh tranh. Các hoạt động kinh doanh của DN nhà nước sẽ không được hưởng ưu thế cạnh tranh hơn DN tư nhân.
Nhấn mạnh vai trò của TPP, EVFTA trong việc tạo lập sân chơi bình đẳng cho DN, ông Chunlin Zhang cho biết: “TPP đem lại cơ hội cho việc tạo lập sân chơi bình đẳng với 3 cam kết chính, bao gồm: không phân biệt đối xử và cân nhắc thương mại; cấm hỗ trợ phi thương mại; các cơ quan quản lý không thiên vị, tiếp cận với các tòa dân sự. Những cam kết này sẽ là căn cứ quan trọng giúp DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nhằm nắm bắt hiệu quả các cơ hội từ các FTA mới mang lại”.
Theo bà Victoria Kwawa, Phó Chủ tịch WB phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, TPP và EVFTA không chỉ đề cập đến vấn đề thâm nhập thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mà còn đề cập cả đến những vấn đề mới chưa từng được nhắc đến hoặc chưa được giải quyết thấu đáo trong các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết trước đây như: môi trường, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ… TPP và EVFTA đang góp phần thiết lập một luật chơi quốc tế dựa trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân không chỉ là động lực cho phát triển kinh tế đất nước, mà còn là động lực giúp Việt Nam nắm bắt được các cơ hội từ TPP, EVFTA. Nếu như hội nhập kinh tế quốc tế chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho các tập đoàn xuyên quốc gia thì đó là một thất bại lớn. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa các cơ hội từ TPP, EVFTA mang lại thì việc giúp các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ, thấy được lợi ích từ hội nhập là vô cùng quan trọng”.