Doanh nghiệp dệt may chịu áp lực lớn bởi Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 6 tháng đầu năm kinh doanh khởi sắc, doanh nghiệp ngành dệt may, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực phía Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi gián đoạn hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng và thiếu nhân lực do dịch Covid-19.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, kể từ tháng 6 khi dịch bệnh lây lan mạnh ở các tỉnh, thành phố phía Nam, những diễn biến bất lợi tăng nhanh ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Chỉ trong vòng 1 tháng, số lượng lao động tạm thời không thể đi làm của Tập đoàn đã lên tới trên 40.000 người, chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Ngoài việc phải đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, doanh nghiệp dệt may còn có thêm rủi ro liên quan đến các hợp đồng kinh tế và quan hệ với khách hàng. Tính đến 30/6/2021, 100% các đơn vị của Tập đoàn đã có đủ đơn hàng đến hết quý III, lượng đơn hàng cho quý IV cũng đã đạt trên 75%. Chính vì vậy, việc không thể tổ chức sản xuất sẽ gây ảnh hưởng liên hoàn từ giao hàng trễ, khách hàng không tiếp tục đặt hàng các tháng 11, 12, nhất là xem xét việc đặt hàng năm 2022, dẫn đến thêm rủi ro mất đơn hàng khiến người lao động tiếp tục phải nghỉ sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Nguy cơ khách hàng chọn nguồn cung cấp khác ít nhất một mùa là rất cao.

Trong bối cảnh đó, Vinatex dự báo các kịch bản tăng trưởng, trong đó có tính đến kịch bản kém tích cực, xác định tình huống dịch bệnh kéo dài tới giữa quý IV, đồng thời lan ra các tỉnh miền Bắc, miền Trung ở quy mô nhỏ hơn khu vực TP. Hồ Chí Minh. Dù với kịch bản nào thì mục tiêu của Tập đoàn là đảm bảo đời sống cho người lao động, kết quả cả năm giữ vững mục tiêu đã được Đại hội đồng cổ đông đặt ra.

Một doanh nghiệp dệt may ở phía Nam là Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công đã ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm trong tháng 6 và tháng 7. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận ròng trong tháng 7 của Công ty lần lượt đạt 14,4 triệu USD (tương đương 328 tỷ đồng) và 0,673 triệu USD (15 tỷ đồng), giảm 3% và 47% so với tháng 7/2020. Còn trong tháng 6/2021, doanh thu và lãi ròng của Thành Công lần lượt giảm 188% và 44% so với tháng 6/2020. Trước đó, từ tháng 1 - 4/2021, Thành Công liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, chỉ giảm nhẹ trong tháng 5/2021.

Thành Công cho biết, năm nay, do không có đơn hàng khẩu trang cộng thêm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nhân phải làm việc giãn cách, năng suất không cao nên biên lợi nhuận gộp của mảng sản phẩm may mặc giảm so với năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Thành Công ghi nhận 95,6 triệu USD (2.177 tỷ đồng) doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận ròng đạt 5,76 triệu USD (131,2 tỷ đồng), thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một doanh nghiệp khác cũng công bố kết quả kinh doanh tháng 7 giảm sút là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (trụ sở chính ở Thái Nguyên) với doanh thu đạt 595 tỷ đồng, giảm 1,7% so với tháng 7/2020. Nguyên nhân do thiết hụt vỏ container và cước vận chuyển quốc tế gia tăng.

Trước đó, doanh thu của TNG đã có chuỗi tăng liên tiếp kể từ tháng 2/2021. Theo dự kiến, doanh thu tháng 7/2021 sẽ tăng nhẹ so với tháng 6/2021, đạt 625 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả đạt được thấp hơn 4,8% so với dự báo. Lũy kế 7 tháng năm 2021, doanh thu của TNG đạt 2.965 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng đạt 113,1 tỷ đồng, tăng 19,5%.

Tại một hội nghị mới đây, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhấn mạnh, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, vấn đề khai thác nguồn vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là vấn đề cấp bách.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục