Doanh nghiệp dệt may có duy trì được lãi đậm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua nửa chặng đường năm 2022, kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dệt may tương đối khả quan với mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm được dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nhiều doanh nghiệp may đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp may đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Tiên Giang

Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao

Báo cáo tài chính quý II/2022 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.768 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 46,4%, đạt 605,2 tỷ đồng.

Nếu như trong quý II/2021, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp may trong Tập đoàn gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh thì quý II năm nay các doanh nghiệp này đều có lãi và hoạt động sản xuất ổn định. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của Vinatex tương đối khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 9.668 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 982 tỷ đồng, tăng tương ứng 37,4% và 55,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng công ty May Nhà Bè cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch Covid-19 được kiểm soát giúp khôi phục thị trường xuất khẩu chủ lực của Công ty. Nhờ đó, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.031 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 97,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ 31,8 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.200 tỷ đồng (tăng 37%), lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng (tăng 54,6%); Công ty CP May mặc Bình Dương ghi nhận 897,7 tỷ đồng doanh thu (tăng 33,8%) và 97,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 55%); Tổng công ty CP May Việt Tiến đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 3.892 tỷ đồng (tăng 9,4%) và 92,3 tỷ đồng (tăng 8,8%); Công ty CP Dệt may Nam Định ghi nhận 646,5 tỷ đồng doanh thu (tăng 2,5%) và 64 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 30%)…

Xoay xở với “bão giá”

Các doanh nghiệp dệt may đã đi qua nửa chặng đường năm 2022 với nhiều kết quả khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nửa còn lại được dự báo có nhiều thách thức.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, thách thức đối với ngành dệt may chính là giá nguyên liệu, nhiên liệu, lao động, vận tải đều tăng. Hiện tượng “mua quá mức” trong quý IV/2021 và quý I/2022 gây ra áp lực dư thừa có thể dẫn tới cắt giảm đơn hàng trong quý III - IV/2022. Tình hình thị trường sợi, vải và may mặc trong quý III/2022 sẽ có nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp cần tính đến các kịch bản sản xuất, tồn kho khác nhau. Lãi suất tăng nên doanh nghiệp cần có dự phòng trước trong những tháng cuối năm. Dòng tiền là mục tiêu tối quan trọng trong quý III/2022, vì vậy cần phải giữ ngoại tệ chủ động.

Theo nghiên cứu tổng hợp của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam, ngày càng có nhiều nhà bán lẻ thời trang gặp khó khăn khi lạm phát “leo thang”, giá cả tăng cao làm giảm nhu cầu đối với một số mặt hàng nhất định. Giá sợi bông, vải lanh, lụa và len cũng như các vật liệu tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ đều tăng cao, chủ yếu do tình trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước tình hình này, các nhà bán lẻ thời trang đang phải tìm cách xác định mức độ tăng giá bán sao cho không làm mất khách hàng mà vẫn cân đối chi phí. Một số thương hiệu đang giảm chi phí bằng cách sử dụng chất liệu chất lượng kém hơn. Một số khác chuyển sang sử dụng các kỹ thuật sản xuất có chi phí thấp. Trong khi đó, một số thương hiệu cao cấp chọn đi theo xu hướng ngược lại: tăng thêm chất lượng cho sản phẩm với hy vọng người tiêu dùng sẽ chấp nhận mức giá bán cao hơn.

Tin cùng chuyên mục