Doanh nghiệp dệt may lạc quan về sự hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, ngành dệt may, da giày trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất trong năm nay.
Nhiều doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch mở rộng sản xuất trong năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch mở rộng sản xuất trong năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021. Theo đó, doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 17.365 tỷ đồng, tăng 17% so với năm ngoái, lợi nhuận dự kiến tăng 18%. Qua đó cho thấy sự lạc quan về triển vọng kinh doanh của Tập đoàn.

Vinatex cho biết, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - có hy vọng phục hồi nhờ gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD. Trong đó, một phần được sử dụng để hỗ trợ tiền trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Bên cạnh đó, tiến độ tiêm vaccine diện rộng cũng cho thấy sự tích cực.

Đối với thị trường Trung Quốc, chiến lược mới 5 năm lần thứ 14 của ngành dệt may quốc gia này không tập trung sản xuất hàng may mặc. Vì vậy, có thể kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần trở thành nước tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam. Số liệu quý I/2021 cho thấy, xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc tăng trưởng tốt nhất trong số 5 thị trường lớn và đã vươn lên ngang bằng kim ngạch xuất khẩu vào EU.

Bên cạnh đó, với việc triển khai tiêm vaccine trên toàn thế giới, kỳ vọng sẽ không lặp lại tình trạng phong tỏa xã hội, dừng mọi hoạt động di chuyển, sản xuất như năm 2020. Theo dự báo của hãng tư vấn McKinsey, với kịch bản tích cực, đến quý III/2021, dệt may thế giới mới phục hồi trở lại bằng năm 2019, còn theo kịch bản xấu nhất thì phải đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, Vinatex đặt mục tiêu phấn đấu phục hồi sớm hơn dự báo của thế giới ít nhất là 1 năm. Tập đoàn dự kiến rót 277 tỷ đồng đầu tư Nhà máy Sợi Nam Định - giai đoạn 2 tại Khu công nghiệp Hòa Xá - Nam Định trong năm nay.

Ngoài Tập đoàn Dệt may, nhiều doanh nghiệp khác đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất trong năm nay. Đơn cử, Công ty CP Sợi Thế Kỷ đặt kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex với vốn đầu tư 120 triệu USD, đưa Công ty trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng công suất 120.000 tấn/năm. Công ty CP May Sông Hồng và Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công lần lượt đặt kế hoạch mở rộng 26% và 20% công suất nhà máy.

Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 4/2021, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, doanh thu đạt hơn 14 triệu USD (tương đương 322 tỷ đồng), tăng gần 49% so với tháng 4/2020. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty đạt hơn 53 triệu USD (tương đương 1.219 tỷ đồng), tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận ròng đạt hơn 3,4 triệu USD (tương đương 78,2 tỷ đồng), tăng 96,7% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết đang nhanh chóng lắp đặt máy móc, thiết bị của Dây chuyền bông số 3. Đồng thời, riêng trong tháng 5, doanh thu tiêu thụ đạt 468,5 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đóng góp lớn nhất, chiếm 98,2% doanh thu tiêu thụ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu tiêu thụ toàn Công ty đạt 1.742,4 tỷ đồng, tăng 423,4 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 32% so với năm 2020.

Đánh giá về triển vọng của ngành dệt may, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng đơn đặt hàng truyền thống sẽ tăng trở lại trong quý II và quý III/2021 do dịch Covid-19 đã phần nào được kiểm soát, việc tiêm vaccine đang được tiến hành nhanh chóng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

VNDIRECT cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 và tình hình bất ổn tại Myanmar đang gây khó khăn cho ngành dệt may của quốc gia này. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thúc đẩy tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc bởi Myanmar đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này.

Tin cùng chuyên mục