FDI đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, từng bước định vị “thương hiệu” của địa phương này trên bản đồ thu hút đầu tư ở nước ta. Ảnh: Lê Tiên |
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc có gì nổi bật, đặc biệt là hoạt động thu hút đầu tư, thưa ông?
Với những giải pháp căn cơ, đồng bộ, quyết tâm chính trị và sự đồng thuận cao trong toàn bộ các cấp lãnh đạo và các cơ quan đoàn thể cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh Vĩnh Phúc, cho đến nay, Vĩnh Phúc có thể phấn khởi, tự hào về những kết quả bước đầu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư. Phải nói rằng, kết quả thu hút đầu tư trong những năm qua đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao, diện mạo của tỉnh có nhiều thay đổi và từng bước định vị “thương hiệu” của Vĩnh Phúc trên bản đồ thu hút đầu tư ở nước ta.
Được tái lập (năm 1997) từ một tỉnh thuần nông hàng năm phải nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương, đến nay, nền kinh tế của Tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc và có đóng góp đáng kể cho ngân sách Trung ương. Bình quân giai đoạn 1997 - 2016 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đạt 15,37%/năm, có những năm tăng trên 20%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản đến nay xuống dưới 10%.
Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng lên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2016 đạt 66,46 nghìn tỷ đồng (tăng 40 lần so năm 1997); tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2016 tăng hơn 33 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh (khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng từ 8,5% năm 1997 lên 45% năm 2016), tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng 43,7%, từ 18,4% năm 1997 lên 60,07% vào năm 2016. Từ một tỉnh phụ thuộc vào trợ cấp của Trung ương, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Sau 20 năm tái lập Tỉnh, ngân sách Vĩnh Phúc đã tăng khoảng 251 lần.
Năm 2017 này, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và của Tỉnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít những khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh đã tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân trong Tỉnh thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Do đó, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh đã đạt được kết quả khá. Năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá so sánh 2010) ước tăng 7,62% so với 2016, trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,52%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,03%; các ngành dịch vụ tăng 8,37% và thuế sản phẩm tăng 3,51%.
Với phương châm xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa để thành công, do vậy công tác xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh luôn có những đổi mới, sáng tạo trong đó đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Vĩnh Phúc luôn chủ động, vận dụng một cách sáng tạo, khoa học và cụ thể hóa tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Vĩnh Phúc cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn Tỉnh, thông qua các chính sách cụ thể, rõ ràng với một thông điệp hết sức gần gũi: "Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc". Với nỗ lực này, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân, sự ủng hộ và hưởng ứng của đông đảo các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã bước đầu thành công khi được coi là một điểm đến đầu tư khá hấp dẫn.
Về kết quả đạt được, nếu như giai đoạn 2011 - 2015 thu hút được 38 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 546,6 triệu USD và 86 dự án đầu tư trong nước (DDI), với tổng số vốn đăng ký gần 9,8 nghìn tỷ đồng... thì chỉ riêng năm 2016 tổng vốn FDI thu hút đạt 373 triệu USD, bao gồm cấp mới cho 33 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 275 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn 26 lượt dự án với tổng số vốn tăng thêm 98 triệu USD. Thu hút DDI năm 2016 đạt 21.869,52 tỷ đồng, bao gồm: cấp mới cho 58 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.845,86 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn 12 lượt dự án với tổng số vốn tăng thêm 4.023,66 tỷ đồng.
Trong năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư nhân dịp kỷ nhiệm 20 năm tái lập tỉnh, đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của Tỉnh. Tại Hội nghị, UBND Tỉnh đã mời gọi được 50 nhà đầu tư cam kết đầu tư 60 dự án vào tỉnh với số vốn đăng ký và cam kết đầu tư khoảng 8,5 tỷ USD cho giai đoạn từ 2016 - 2020.
Ước cả năm 2017, Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư cho 78 dự án, trong đó có 38 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 nghìn tỷ đồng và 40 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 375 triệu USD. So với năm 2016, số lượng dự án và vốn đăng ký của các dự án DDI đều giảm, nhưng số lượng dự án và vốn đăng ký của các dự án FDI đều tăng. Trong năm 2017 đã có thêm 55 dự án đi vào hoạt động gồm 30 dự án DDI và 25 dự án FDI.
Luỹ kế đến hết năm 2017, tỉnh có 939 dự án đầu tư còn hiệu lực gồm: 260 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 3,7 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 68,2 % tổng vốn đầu tư đăng ký; 679 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký là 67.516 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 33,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tổng số dự án đang hoạt động là 536 dự án gồm 206 dự án FDI và 330 dự án DDI.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 8.400 doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, trong đó có hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư có tên tuổi, có thương hiệu trong nước và nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư lớn đã lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm đến để đầu tư, kinh doanh và có định hướng gắn bó lâu dài để phát triển bền vững.
Năm 2016, chỉ số PCI của Vĩnh Phúc giảm thứ hạng, xếp thứ 9/63, đạt mục tiêu đề ra là nằm trong top 10 địa phương đứng đầu cả nước. Kết quả này mặc dù chưa làm hài lòng tất cả các nhà đầu tư do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng có thể khẳng định môi trường đầu tư vẫn giữ ổn định, thể hiện qua tình hình kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc phát triển tốt, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt, vượt kế hoạch đề ra, trong đó thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay; thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước đều tăng cả về số lượng dự án và vốn đăng ký. Toàn hệ thống chính trị quyết tâm đi nhanh, theo đúng định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đã đề ra.
Qua phân tích, đánh giá kết quả xếp hạng của tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương cho thấy sự hội tụ về điểm số giữa các nhóm hoặc ngay giữa các tỉnh trong cùng một nhóm ngày càng rõ nét. Điều này cho thấy dư địa cho việc cải cách không còn nhiều. Vì vậy, các địa phương muốn thăng hạng hay đơn giản chỉ là giữ vững vị trí là rất khó khăn, cần phải nỗ lực với quyết tâm rất lớn để có những cải cách, sáng tạo trong điều hành kinh tế. Trong thời gian tới, để giữ vững và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Vĩnh Phúc sẽ cần tập trung vào những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021 và Quyết định số 3189/QĐ-UBND ngày 11/10/2016 của UBND Tỉnh phê duyệt Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ba là, duy trì hiệu quả hoạt động gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hàng tuần để kịp thời nắm bắt, tháo gõ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Năm là, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm, làm tốt hơn nữa đến hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tiếp tục chỉ đạo giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Sáu là, từng bước quan tâm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thông qua các cơ chế, chính sách mới ban hành và thực hiện tốt 10 cam kết của Tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua Vĩnh Phúc được biết đến là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài rất hiệu quả với nhiều nhà đầu tư lớn như: Toyota, Honda… Làm thế nào Tỉnh có thể đạt được những thành tựu ấn tượng như vậy?
Có thể khẳng định Vĩnh Phúc là một trong những địa phương khá thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư tại đây như: Toyota, Honda, Pieggio, Sumitomo, SCG… Có được kết quả trên là nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là sự quyết tâm của các nhà đầu tư. Để có được thành quả về thu hút đầu tư trong thời gian qua, Tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, trước hết là quan tâm đến quy hoạch. Đây là vấn đề có tính chiến lược, giúp cho sự định hướng phát triển của Tỉnh, do đó phải quản lý, giám sát quy hoạch chặt chẽ, nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện đầu tư theo quy hoạch, kịp thời nghiên cứu để xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn để làm tiền đề cho sự phát triển tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Hai là, khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng của Tỉnh. Đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, định hướng rõ ràng, cụ thể, trong đó tập trung ưu tiên thu hút những dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp chủ lực của Tỉnh như sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; cơ khí; sản xuất linh kiện điện tử…
Ba là, quan tâm đến công tác đào tạo nghề theo hướng chuyển sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường, tập trung đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
Bốn là, chú trọng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trong đó tập trung vào cải cách hành chính và xác định đây là khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã ban hành Đề án cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2015, tiếp đó là giai đoạn 2016 - 2020 và có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện cụ thể. Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, Vĩnh Phúc luôn nằm trong Top 10.
Năm là, đảm bảo giữ tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý, có chính sách giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nhà đầu tư và người dân, góp phần ổn định việc làm, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Sáu là, chủ động, vận dụng một cách sáng tạo, khoa học và cụ thể hóa tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Tỉnh.
Những chủ trương, định hướng lớn của Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư thời gian tới là gì, thưa ông?
Về chủ trương, trong công tác chỉ đạo, điều hành phải thông suốt, thống nhất, có nền nếp, giữ vững kỷ cương bộ máy công quyền, tạo niềm tin và độ tin cậy đối với nhà đầu tư, đặc biệt đối với người đứng đầu. Phải luôn luôn hướng về nhà đầu tư và doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Mọi thủ tục hành chính phục vụ cho hoạt động đầu tư phải minh bạch, đơn giản, gọn nhẹ, không làm tăng chi phí, không gây phiều hà, sách nhiễu cho nhà đầu tư.
Với phương châm: “Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, doanh nghiệp giàu thì Vĩnh Phúc sẽ giàu” và “Doanh nghiệp thành đạt, Vĩnh Phúc thành công”, từ tập thể lãnh đạo Tỉnh đến đội ngũ cán bộ công chức các sở ngành, địa phương luôn thống nhất, sát sao và quyết liệt trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Về định hướng thu hút đầu tư của Tỉnh trong thời gian tới, đối với lĩnh vực đầu tư, Vĩnh Phúc hướng đến các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực: công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy...), vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dự án du lịch; dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế; kêu gọi đầu tư vào các ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo.
Về định hướng địa bàn đầu tư, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp; gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng khuyến khích thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất lắp ráp ô tô và phụ tùng ô tô, xe máy…
Về định hướng đối tác, Vĩnh Phúc chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đồng thời hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu (Đức, Italia) và Hoa Kỳ.