“Khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do”
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Cơ hội từ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết là rất lớn. Tuy nhiên, khảo sát của VCCI cho thấy, hầu như chỉ có các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nắm bắt được và khai thác tốt cơ hội, trong khi DN Việt Nam còn rất hạn chế.
Chúng tôi kiến nghị nên thành lập trung tâm thông tin hỗ trợ khai thác các FTA đặt tại Bộ Công Thương, hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc cũng có thể giao cho VCCI, nhằm hỗ trợ DN tiếp cận, khai thác các cơ hội.
Liên quan đến vấn đề nhân lực, các ngành như du lịch, dịch vụ có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, nhưng đang rất khó khăn vì thiếu hụt nguồn nhân lực. Trong khi đó, làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu sau dịch Covid-19 đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực để nắm bắt kịp thời. Chính phủ cần sớm có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này, trong đó cần kết nối trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo mô hình Nhà nước - nhà trường - DN.
“Tăng cường đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất”
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Thị trường bất động sản từ cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã thích ứng và từng bước phục hồi nhưng mới chỉ bằng 44% so với năm 2017 là năm đỉnh cao. Riêng tại TP.HCM, 6 tháng đầu năm nay, trong khi tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, thì lĩnh vực bất động sản giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng do hoạt động chuyển nhượng ách tắc, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, vốn FDI, kiều hối sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021…
Để hỗ trợ DN, Nhà nước cần tăng cường phương thức đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất để công khai, minh bạch thị trường.
“Tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp”
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)
Tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8/2022, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10/2022. Điều này có nghĩa là hàng hóa sẽ tồn kho, DN sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng. Theo thông báo mới đây của các ngân hàng, nếu DN không trả khoản vay cũ thì ngân hàng sẽ không cấp khoản vay mới. Như vậy, DN sẽ không thể thu mua cá, tôm cho ngư dân. Đây là thách thức rất lớn, cần sự hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh trong 2 năm qua, ách tắc vận chuyển và giá nhiên liệu tăng cao khiến chi phí vận tải biển đang ở mức cao (chi phí vận chuyển đến bờ Tây Mỹ đang ở mức 400 triệu đồng/container, EU cũng tăng gấp 4 lần, từ 10 - 12 nghìn USD/container). Ngoài ra, các chi phí đầu vào khác đều tăng như bao bì, hóa chất… tác động bất lợi đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ giảm chi phí cho DN, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi…
“Sớm xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để thu hút đầu tư”
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco)
Để giúp DN lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ cần xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó giá trị sản xuất trong nước được khấu trừ vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật Phát triển công nghiệp vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 để Quốc hội thông qua nhằm tạo hành lang pháp lý thu hút DN đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Tiếp tục chú trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh”
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Để hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh doanh, trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật được coi là biện pháp trung tâm của cải cách môi trường pháp lý kinh doanh.
Việc cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ cần theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi, qua đó hỗ trợ kịp thời DN trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.
“Thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí logistics”
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam
Ngành logistics có vai trò như “mạch máu” lưu thông hàng hóa, kết nối thương mại trong nước cũng như quốc tế, do vậy, cần đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới, cả về phương thức vận tải, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn và các hệ sinh thái, đặc biệt là phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, hàng không… Để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, Chính phủ cần tiếp tục duy trì và bảo đảm giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất là cho tới quý II/2023, để giảm chi phí cho DN.
Ngoài ra, Hiệp hội đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN về cơ chế vận tải thương mại qua biên giới Lào và Campuchia. Hiện nay, khi vận tải sang Lào, các DN phải được chỉ định bởi một đại lý ở nước bạn…, làm phát sinh thêm chi phí khoảng 100 - 150 USD/xe.