Điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề là cần thiết, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây cản trở cho hoạt động của người dân, DN |
Vẫn còn nhiều rào cản
Tại Hội thảo lấy ý kiến DN đối với Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công Thương cho biết, so với Dự thảo lần thứ nhất, Dự thảo Nghị định lần thứ 2 này đã loại bỏ hầu hết các điều kiện không phù hợp trên cơ sở ý kiến phản hồi của DN thời gian qua đối với thương nhân phân phối. Cụ thể, Bộ Công Thương nhận thấy những điều kiện bắt buộc phải sở hữu cầu cảng, trạm nạp, trạm cấp khí... là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, trong khi DN hoàn toàn có thể tự chủ hoặc đi thuê. Các quy định về thương nhân xuất, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 gas, có số lượng chai gas với tổng dung tích chứa tối thiểu hơn 3,93 triệu lít; thương nhân phân phối khí phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300m3... là quá lớn, gây cản trở cho các DN nhỏ và vừa gia nhập vào thị trường.
Ghi nhận việc tiếp thu ý kiến DN của cơ quan chủ trì soạn thảo, nhưng nhiều DN vẫn chưa hài lòng, chỉ ra nhiều điều kiện kinh doanh vô lý gây cản trở hoạt động của DN trong lĩnh vực này.
Mặc dù đồng tình về việc bổ sung quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí là cần thiết vì liên quan tới tính mạng con người, nhưng ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Đồng Tùng cho rằng, việc đưa ra điều kiện thương nhân phải sử dụng hợp pháp kho chứa khí được cấp có thẩm quyền phê duyệt là không cần thiết. Nên chăng, ông Tùng khuyến nghị, Dự thảo Nghị định chỉ cần quy định các kho chứa khí này phải đáp ứng điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) theo quy định hiện hành.
Đồng thuận với quan điểm này, theo ông Nguyễn Khắc Trí – Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Tổng công ty Gas Petrolimex (PGAS) cho rằng không nhất thiết phải yêu cầu thương nhân có phương án chữa cháy, văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan cảnh sát PCCC theo quy định hiện hành. Thay vào đó, Dự thảo Nghị định chỉ cần quy định thương nhân phải có hồ sơ đủ điều kiện PCCC theo quy định hiện hành...
Ông Trí cũng đề nghị bỏ đăng ký màu sơn đối với chai LPG. Bởi vì, theo ông Trí, đây là nội dung công bố tiêu chuẩn cơ sở của thương nhân kinh doanh, Nhà nước không bảo hộ riêng màu sơn của vỏ bình, mà chỉ bảo hộ tổng thể nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có màu sắc của vỏ bình. Cùng với đó, yêu cầu bắt buộc đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương cũng không phù hợp, cần loại bỏ, vì hệ thống phân phối của DN luôn thay đổi để thích ứng với môi trường cạnh tranh.
Đối với điều kiện phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với Bộ Công Thương, ông Tùng cho rằng, điều này sẽ gây khó cho thương nhân, bởi một số tổng đại lý, đại lý không thể có nhãn hiệu hàng hóa, không có thương hiệu riêng, không có vỏ gas thuộc sở hữu.
Không “lạm dụng” điều kiện kinh doanh
Chia sẻ lo ngại với các cơ quan soạn thảo quy định pháp luật về việc nếu bỏ bớt điều kiện kinh doanh thì lấy công cụ gì để quản lý, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Ban thư ký của Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư cho rằng, công cụ quản lý không chỉ dựa vào điều kiện kinh doanh mà còn có các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật... Điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề là cần thiết, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây cản trở cho hoạt động của người dân, DN.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban pháp chế của VCCI, Phụ lục 4 Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư số 03/2016/QH14 quy định, kinh doanh khí và sản xuất sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG) là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP để cụ thể hóa quy định mà Luật Đầu tư giao là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Do đó, việc sửa đổi Nghị định này cần theo hướng thị trường hơn, Nhà nước không thể đứng ra bảo lãnh cho DN được. DN làm ăn minh bạch thì có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, ngược lại sẽ chịu sự quản lý của pháp luật.