Doanh nghiệp khai thác cao su hưởng lợi nhờ giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lượng tiêu thụ và giá bán sản phẩm tăng cao đã giúp nhiều doanh nghiệp khai thác cao su thiên nhiên ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2021 và 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá cao su trên thị trường thế giới đang trên đà giảm kể từ tháng 6/2021 trước tác động của dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp này.
Diễn biến giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (JPY/kg)
Diễn biến giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (JPY/kg)

Nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần

Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, ước tính trong tháng 6/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 130 nghìn tấn, trị giá 221 triệu USD, giảm 4,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tăng 36,1% về trị giá khi giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.700 USD/tấn, tăng 42,8% so với tháng 6/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 681 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 79,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả tích cực trên được phản ánh thông qua kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Công ty CP Cao su Tân Biên cho biết, sản lượng cao su tiêu thụ tăng hơn 2.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái với giá bán bình quân 42,67 triệu đồng/tấn giúp tổng doanh thu quý II/2021 của Công ty tăng hơn 111,8 tỷ đồng (tương ứng 66,6%) so với quý II/2020, đạt 279 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 84 tỷ đồng, gấp đôi con số đạt được cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Cao su Tân Biên lãi ròng 120,6 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với nửa đầu năm 2020.

Sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng cũng giúp Công ty CP Cao su Bà Rịa ghi nhận doanh thu quý II tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 95,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 17,2 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần. Trong quý II/2021, sản lượng tiêu thụ của Công ty đạt 2.202,9 tấn, tăng 88,92% so cùng kỳ 2020 với giá bán bình quân 42,26 triệu đồng/tấn, cao hơn 1,5 lần mức giá cùng kỳ 2020. Lũy kế 6 tháng, Cao su Bà Rịa lãi ròng 34,7 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2020.

Các doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng tích cực như Công ty CP Cao su Sông Bé lãi ròng 20,4 tỷ đồng, gấp 16 lần cùng kỳ năm 2020; Công ty CP Cao su Đồng Phú lãi ròng 51,5 tỷ đồng, tăng 9,5% so với nửa đầu năm 2020; Công ty CP Cao su Đắk Lắk lãi ròng 76,2 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 26,9 tỷ đồng)…

Biến chủng Delta thách thức giá cao su

Sau khi chạm đáy vào tháng 3/2020 với mức giá 131,5 yên Nhật (JPY)/kg, giá cao su thiên nhiên trên Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (Nhật Bản) đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt mức 308,8 JPY/kg vào tháng 10/2020. Sau đó, dù có giảm nhưng giá cao su trong 2 quý đầu năm 2021 vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Qua đó giúp các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực giai đoạn đầu năm nay. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 6/2021, giá cao su thiên nhiên kỳ hạn sụt giảm xuống dưới 215 JPY/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2020 do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc giảm, gián đoạn chuỗi cung ứng ô tô ở Mỹ và gia tăng ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.

Trong khi đó, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên gần đây ước tính sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,8% so với năm trước, đạt 13,812 triệu tấn; trong khi nhu cầu thế giới ước tính ở mức 13,869 triệu tấn. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường cao su thiên nhiên vẫn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh của các nước khai thác cao su, ảnh hưởng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, nguồn cung vaccine và chương trình tiêm chủng của các quốc gia trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục