“Giấy phép con” trái luật đang cản trở nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Quan điểm trên được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Trưởng ban Thư ký Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đưa ra khi đề cập đến hàng loạt điều kiện đầu tư, kinh doanh trong các thông tư, quyết định ban hành trái phép sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chốt lại năm 2015, sau khi rà soát thì Việt Nam vẫn còn khoảng 3.000 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong các thông tư, quyết định được ban hành và có hiệu lực. Đây được xem là những “giấy phép con” tạo nên những rào cản kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, tại một cuộc họp mới đây của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đại diện Tổ công tác cho biết: “Hiện có 16 ngành nghề trong 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện vẫn chưa ban hành điều kiện đầu tư, kinh doanh tương ứng. Thậm chí, một vài bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền hoặc có những văn bản hết hiệu lực nhưng vẫn được áp dụng”.
Thực trạng đó khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lo ngại và đặt câu hỏi nếu tình trạng này không được cải thiện, việc thực thi các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định pháp luật mới sẽ như thế nào? Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện quy định của pháp luật ra sao? Và doanh nghiệp, nhà đầu tư có bị gây khó dễ hay không nếu tới thời điểm ngày 1/7/2016 vẫn có nhiều cơ quan quản lý cố tình ban hành những “giấy phép con” trái phép?
Trước câu hỏi này, ông Cung khuyến nghị, doanh nghiệp nên góp phần vào việc loại bỏ “giấy phép con” trái phép bằng cách kiên quyết không tuân thủ những quy định trái luật. Ông Cung nhấn mạnh: “Nếu cứ vin vào lý do doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ không thể bãi bỏ được những giấy phép con trái luật, bởi dường như không có ai muốn bãi bỏ”.
“Điều quan trọng là doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, phải vượt qua khó khăn trước mắt để tiến tới những giá trị lâu dài của pháp quyền” – ông Cung khẳng định.
Đề cập về vấn đề này, tại Tọa đàm “Thể chế pháp luật kinh tế của một số quốc gia trên thế giới” do CIEM phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng qua (17/3), không ít chuyên gia kinh tế khẳng định, hệ thống pháp luật về kinh tế của Việt Nam đang tiệm cận dần với thông lệ quốc tế. Để hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, “người chơi” - doanh nghiệp phải được tận dụng những cơ hội tốt mà quá trình cải cách thể chế pháp luật kinh tế mang lại.