Doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề “nóng” cần tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian gần đây, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Trong đó, một số nội dung “nóng” được nhiều doanh nghiệp quan tâm kiến nghị gồm: cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng do tác động của Covid-19, biến động giá cả vật liệu xây dựng bất thường; cơ chế hỗ trợ giảm thuế, tiền thuê đất…
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Suy kiệt tài chính, nhà thầu xây lắp kêu cứu

Mới đây nhất là kiến nghị của Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam (đại diện 20 doanh nghiệp cùng ký tên) vào giữa tháng 7/2022 về việc xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Chẳng hạn như, bất cập về quy định vật liệu đất đắp là yếu tố cố định, không được điều chỉnh giá trong quá trình thực hiện hợp đồng; trong khi đó, khối lượng đất đắp rất lớn (thường là vài triệu m3/gói thầu) và chiếm tỷ trọng lớn trong giá hợp đồng (từ 15 - 25%), nguồn cung khan hiếm cộng thêm hiện tượng đầu cơ tăng giá của các chủ mỏ đất…

Hiện cũng chưa có nội dung điều chỉnh giá khi chỉ số trượt giá các loại vật liệu vượt quá chỉ số trượt giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư dự án. Hiện nay, một số chủng loại vật liệu chính đã tăng 20 - 30%, nhưng hệ số bù giá bình quân của các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (đầu tư công) chỉ khoảng 1,018 - 1,08 (tương ứng tăng từ 1,8 - 8%), chỉ số trượt giá được tính toán trong tổng mức đầu tư của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) là khoảng 3,05%.

“Nếu không có giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, thì nguy cơ vỡ tiến độ các dự án là hiện hữu. Mặc dù các nhà thầu đã hết sức cố gắng, ưu tiên và dành mọi nguồn lực cho công trường thi công, nhưng tất cả đều trong tình trạng suy kiệt về tài chính, do tiền thanh toán từ chủ đầu tư không đủ trang trải chi phí thi công, đồng thời chạm ngưỡng hạn mức đi vay ngân hàng để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Thực tế, trong khoảng thời gian 3 - 4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu không thể duy trì được tiến độ, cường độ công việc cao như trong giai đoạn trước đây. Công trường thiếu nguyên, nhiên, vật liệu… Tiến độ thi công cầm chừng, không phát huy hết công suất thiết bị và năng suất lao động. Điều này gây thiệt hại về kinh tế cho nhà thầu, lãng phí nguồn lực xã hội và càng thúc đẩy quá trình phá sản của nhà thầu diễn ra nhanh hơn”, Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam nhấn mạnh.

Mặc dù những khó khăn về nguồn cung đất đắp đã được Chính phủ tháo gỡ một phần thông qua việc ban hành các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 60/NQ-CP, Nghị quyết số 133/NQ-CP…, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính bớt 2 - 3 tháng so với trước, nhưng các nhà thầu thi công cao tốc cho biết vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục thuê đất, giao đất cho chủ mỏ để khai thác dù đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Nhà thầu phải khảo sát và bổ sung nhiều mỏ mới cách xa công trường, bất lợi về cự ly, đẩy giá vật liệu tới chân công trình lên rất cao. Chẳng hạn như, Gói thầu 3XL đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (do Liên danh Tổng công ty CP Vinaconex - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính trúng thầu 2.299 tỷ đồng) thi công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhưng nhà thầu phải mua đá sản xuất bê tông nhựa tại mỏ Núi Sò, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách công trường khoảng 80 km.

Đề xuất cần có cơ chế bù giá do biến động giá vật liệu xây dựng cũng như rút ngắn và đơn giản hóa thủ tục cấp phép mỏ đất đắp cũng được ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam đề cập tới tại một cuộc hội thảo góp ý xây dựng Luật Đấu thầu sửa đổi gần đây.

“Nhà nước chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu nên hiện nay hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt là các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc Bắc - Nam đang lâm vào tình trạng 'sống dở chết dở' và khá nhiều nhà thầu hiện nay không dám nhận thầu các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được thị trường. Đây là một thực tế đáng buồn và chưa từng xảy ra ở Việt Nam”, ông Hiệp chia sẻ.

Đối với chính sách giảm thuế thu nhập 30% hiện nay, các doanh nghiệp du lịch không được hưởng lợi nhiều. Ảnh minh họa: Internet

Đối với chính sách giảm thuế thu nhập 30% hiện nay, các doanh nghiệp du lịch không được hưởng lợi nhiều. Ảnh minh họa: Internet

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” vào ngày 11/8/2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chuẩn bị Báo cáo đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khó khăn, thách thức, cơ hội và giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững; tổng hợp ý kiến, kiến nghị để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị.

Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ngân hàng Chính sách xã hội tham dự, chuẩn bị các nội dung phát biểu và giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị.

Cần kéo dài chính sách giảm thuế, tiền thuê đất

Liên quan đến tiền thuê đất, theo báo cáo tổng hợp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP quý II/2022, hiện vẫn còn nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được gửi đến các bộ, ngành nhưng đến nay chưa được giải quyết. Mới đây, ngày 5/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các bộ (Tài chính, Công Thương, Y tế, Công an) và địa phương (UBND TP.HCM, UBND tỉnh Kon Tum) khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp.

Trong số các nhóm kiến nghị của doanh nghiệp được VCCI tập hợp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính về việc nâng tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch từ 30% lên 70% so với năm 2021, tiếp tục kéo dài thời gian giảm tiền thuê đất đến hết năm 2023, cũng như tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đến năm 2023.

Theo hiệp hội này, đối với chính sách giảm thuế thu nhập 30% hiện nay, các doanh nghiệp du lịch không được hưởng lợi nhiều vì các doanh nghiệp này đóng cửa, tạm dừng hoạt động không có doanh thu để khấu trừ thuế. Đối với chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, đa số doanh nghiệp du lịch không đáp ứng được các quy định như trên, vì lao động nghỉ việc không tham gia bảo hiểm bắt buộc và doanh nghiệp ngừng kinh doanh, nợ thuế nên không thực hiện quyết toán thuế do ảnh hưởng dịch bệnh.

“Mặc dù sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đã có khởi sắc một chút nhưng chưa được nhiều, khách nội địa có tín hiệu tốt, nhưng chủ yếu tập trung vào ngày cuối tuần, còn các ngày trong tuần thường không có khách, nên gần như hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp này không mấy hiệu quả”, ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với Báo Đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục